Nhiều nội dung cải cách BHXH rất tiến bộ, mang tính chất đột phá, nhưng để hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, cơ quan chức năng cần chủ động tìm đến dân mời tham gia BHXH, đừng để người dân tự xoay xở.
Chủ động mời dân tham gia BHXH
Hiện nay, người dân nào có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện thì đa số tự đến các điểm thu của BHXH tìm hiểu. Nhưng với yêu cầu mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới BHXH toàn dân thì các cơ quan chức năng và ngành BHXH không thể ngồi đợi người dân có nhu cầu tìm đến, hỏi, mới trả lời, giải đáp, phục vụ. Nếu như vậy thì tốc độ phát triển BHXH cho khu vực phi chính thức sẽ rất chậm.
Để thuận lợi trong việc mở rộng diện bao phủ BHXH, nhất là trong khu vực phi chính thức, cần phân nhóm ngành, nghề, lao động. Khi có bức tranh chung về khu vực phi chính thức, sẽ mời gọi những người có thu nhập tương đối khá ở khu vực này tham gia BHXH và làm sau với nhóm có thu thập thấp hơn.
Nhiều nước trên thế giới đã làm như vậy và chúng ta hoàn toàn có thể khởi sự tương tự. Có thể đồng thời kết hợp đóng thuế với tham gia BHXH. Tất cả các loại hình chưa phải doanh nghiệp có tham gia sản xuất kinh doanh, dịch vụ, có phát sinh thu nhập đóng thuế thì đều đồng thời phải tham gia BHXH.
Như thế, người dân sẽ bớt thời gian công sức, không phải đến cơ quan chức năng nhiều lần, cho nhiều khoản (vừa thuế, vừa BHXH), việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH cũng khả thi hơn.
Họ suy nghĩ, miếng ăn với nhiều người vào ngày mai còn chưa rõ, làm sao họ rõ tương lai 5, 10, 15 năm nữa, để tham gia BHXH?
Hoặc có tiền, có thu nhập, nhưng tự cất giữ, chưa đóng BHXH. Thực tế đó đòi hỏi mọi thông tin về việc tham gia BHXH, lợi ích hơn - thiệt khi đóng BHXH, về quản lý quỹ BHXH… cần được minh bạch, công khai hóa, không nhập nhằng. Lợi ích về tham gia BHXH phải được chứng minh, giải thích rõ ràng để củng cố niềm tin ở đông đảo người dân.
Trách nhiệm của cơ quan chức năng
Một nghịch lý trong chính sách BHXH hiện nay là tỷ lệ hưởng lương hưu của Việt Nam thuộc tốp các nước có tỷ lệ hưởng cao nhất trên thế giới (tỷ lệ lương hưu tối đa lên tới 75% mức đóng BHXH, trong khi ở rất nhiều nước phát triển chỉ là 50% - 60%).
Song, vẫn có không ít người lãnh lương hưu với số tiền dưới chuẩn nghèo của TPHCM, nhiều người “sốc” khi nhận lương hưu bèo bọt. Sở dĩ có nghịch lý trên - tỷ lệ hưởng cao, nhưng số tiền lương hưu thực lãnh lại ít - là bởi “đầu vào” làm căn cứ đóng BHXH đã không chuẩn.
Nhiều người lao động “sốc” bởi không rành việc thu nhập của mình bao nhiêu năm qua đã bị chủ sử dụng lao động “chẻ” ra làm 2 phần, chỉ mang một phần làm căn cứ đóng BHXH, một phần không dùng để đóng BHXH. Tình trạng này ít nhiều làm giảm ý nghĩa của lương hưu, của chính sách BHXH và rất khó để mời gọi người dân tham gia BHXH khi chưa giải quyết được nghịch lý.
Để cải cách thực sự đột phá, cần chuẩn hóa “đầu vào” đóng BHXH theo hướng: quy định tất cả các khoản lương, phụ cấp, thu nhập khác đều phải được dùng làm căn cứ đóng BHXH; đồng thời, giảm dần tỷ lệ đóng BHXH cho doanh nghiệp.
Mục tiêu của cải cách chính sách BHXH là mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Mục tiêu cụ thể đến năm 2021, khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Tỷ lệ này đến năm 2025 và 2030 lần lượt là 55% và 60%. Mục tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được. Song vấn đề đặt ra, phần còn lại của sự bao phủ BHXH, sẽ ra sao?
Có nghĩa là 55% vào năm 2021, 45% năm 2025 và 40% năm 2030 số người hết tuổi lao động - dù giảm dần song vẫn là một con số quá lớn - họ sẽ sống bằng gì, hưởng gì trong những tháng năm tuổi già không có lương hưu, trợ cấp?
Đây là vấn đề rất đáng được quan tâm nghiên cứu, tính toán sâu sát trong thời gian tới, bởi Việt Nam không lâu nữa sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số. Trong khi đó, trợ cấp xã hội hiện nay rất thấp.
Chẳng hạn, TPHCM dù cao hơn cả nước, nhưng vẫn mới chỉ có 380.000 đồng/người/tháng và phải trên 80 tuổi mới được hưởng. Với người dân, mức trợ cấp này vẫn còn mang tính chất danh nghĩa, tượng trưng là chính, chứ chưa đảm bảo ý nghĩa thiết thực, giúp người hết tuổi lao động duy trì cuộc sống tuổi già bớt nặng gánh.
Do đó, khi thực hiện cải cách BHXH, mở rộng sự bao phủ BHXH, cần đồng thời thiết kế gói BHXH ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng, phương thức giao dịch phù hợp với người lao động trong khu vực phi chính thức. Sự hỗ trợ mức đóng của Nhà nước cần đủ lớn, đủ thiết thực thì mới giúp đa số người dân khi về già được hưởng đồng lương hưu, được hưởng chính sách an sinh xã hội, không phải quá lam lũ tuổi xế chiều. Khi làm được điều đó, mục đích cải cách sẽ thành công.
LÊ VĂN THÀNH - Nguyên Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM