Những thành tích tự hào
Ngày 12-11, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 70 ngành giáo dục Thủ đô, 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và hơn 3.500 đại biểu.
Kỷ niệm 70 năm thành lập ngành giáo dục Thủ đô và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp đặc biệt để nhìn lại hành trình phát triển kể từ giai đoạn khởi đầu đầy gian khó, từng bước chuyển mình và đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ đến ngày thống nhất đất nước, mạnh mẽ, tự tin và vươn mình bứt phá trong giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế.
70 năm qua, ngành Giáo dục Thủ đô đã có những bước phát triển mạnh mẽ về quy mô và chất lượng, trở thành trung tâm giáo dục hàng đầu cả nước. Toàn thành phố có hơn 2.900 trường học với gần 2,3 triệu học sinh và khoảng 130.000 giáo viên. Trong đó gần 80% trường công lập đạt chuẩn quốc gia, 23 trường chất lượng cao; 120 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố với gần 1 triệu sinh viên.
Năm 2024, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Hà Nội đạt 99,81%. Năm 2024 cũng là năm Hà Nội có sự bứt phá mạnh mẽ về chất lượng giáo dục mũi nhọn khi có 2 học sinh giành Huy chương Vàng Olympic quốc tế. Cùng với các cột mốc phát triển quan trọng của Thủ đô, ngành giáo dục đã góp phần tích cực trong việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ sự nghiệp chung của giáo dục cả nước.
Xây dựng thành phố học tập
Tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, ngành giáo dục Hà Nội đang từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô, cả giáo dục chính khóa và giáo dục thường xuyên, cả nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài. Hà Nội là một trong những nơi tích cực và triển khai một cách bài bản, hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhấn mạnh đến việc giáo dục Thủ đô cần hướng tới mục tiêu cao hơn yêu cầu chung cả nước, hướng tới giáo dưỡng, tạo nên những công dân Thủ đô thanh lịch, có tầm văn hóa, trách nhiệm xã hội và biết sống hạnh phúc cho mình và cho cộng đồng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ rõ: "Nền giáo dục Thủ đô phải hướng tới nền giáo dục thanh lịch. Trong đó trường học là trường học thanh lịch, thầy cô và học sinh thanh lịch. Ở đó, trường học phải là nơi người học được đảm bảo an toàn, không có bạo lực học đường, không có nói tục chửi bậy, không có ép buộc học thêm. Ở đó, tệ nạn bị tránh xa và ở đó, hiện hữu một môi trường học đường văn hóa tiêu biểu. Quan trọng nhất, con người ứng xử với nhau bằng tình yêu thương và trách nhiệm.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu rõ, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua đã quy định những chính sách đặc thù cho giáo dục Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Cùng với đó, Quốc hội đang xem xét thông qua Luật Nhà giáo với nhiều nội dung quan tâm và phát triển giáo dục, đặc biệt là vai trò của người thầy trong các cơ sở giáo dục. Thời gian tới, đòi hỏi, ngành giáo dục Thủ đô tiếp tục nâng cao chất lượng, tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, xây dựng Hà Nội trở thành thành phố học tập toàn cầu. Đồng thời khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ học sinh Thủ đô - những chủ nhân tương lai.