Mở hướng liên kết
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: “Lâu nay, Cần Thơ được xem là trung tâm về phát triển công - nông nghiệp, thương mại - dịch vụ của vùng ĐBSCL. Địa bàn Cần Thơ cũng là nơi phát triển mạnh nhất về lĩnh vực chế biến, xay xát, lau bóng gạo phục vụ xuất khẩu với hơn 135 nhà máy, cơ sở. Song song đó, Cần Thơ cũng có nhiều nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu; vì vậy, nhu cầu về máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp rất lớn”. Sự cần thiết là vậy; thế nhưng, từ trước đến nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… mỗi khi cần mua vật tư để chế tạo máy móc lại phải lên TPHCM tìm kiếm, vừa tốn kém chi phí vừa mất nhiều thời gian.
Ông Lâm Thế Vân, Giám đốc Công ty Cơ khí Thế Dân (KCN Trà Nóc 1, TP Cần Thơ), bộc bạch: “Công ty chúng tôi chuyên chế tạo, lắp đặt, bảo trì máy và các dây chuyền máy công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản… Ban đầu, công ty hoạt động dạng nhỏ với vài người thợ; nhưng sau đó, nhờ đầu tư đổi mới trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào chế tạo... nên dần sản xuất được các loại phụ tùng thay thế, như bánh răng chất lượng cao. Qua đó, công ty nhận gia công và sản xuất các sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến nông - lâm - thủy sản cho doanh nghiệp tại TP Cần Thơ và các tỉnh trong vùng. Tuy nhiên, hạn chế lâu nay ở Cần Thơ là thiếu nhiều vật tư ngành cơ khí; ngoài ra, cũng chưa có sự kết nối đa chiều giữa doanh nghiệp cùng ngành với nhau, nhất là giữa TP Cần Thơ và TPHCM”.
Cùng suy nghĩ trên, ông Tăng Hồng, Giám đốc Công ty Cơ khí Sông Hậu, nhận định: “Bản thân tôi “sống” trong ngành cơ khí đã lâu nên khá rành về lĩnh vực này ở đất Tây Đô. Thời gian qua, cơ khí Sông Hậu có thế mạnh về sản xuất hàng trăm loại sơ mi - xy lanh bằng phương pháp đúc ly tâm, dùng cho máy móc, thiết bị ở ĐBSCL và xuất khẩu sang thị trường Campuchia, Nga...
Có thể nói, các sản phẩm của cơ khí Sông Hậu chế tạo không hề thua kém hàng ngoại, trong khi giá cả thấp hơn khoảng 40%. Nhất là những chủng loại thiết bị nước ngoài không còn sản xuất nữa. Vì thế, cơ khí Sông Hậu trở thành địa chỉ tin cậy của khách hàng miền Tây. Tuy được vậy, song vật tư cơ khí ở Cần Thơ khá hiếm. Ngoài ra, việc liên kết sản xuất, chế tạo máy móc, hoặc cung ứng vật tư trong ngành… cũng chưa được thông suốt”. Thấy được nhược điểm này nên gần đây cơ khí Sông Hậu đã liên kết với một doanh nghiệp cơ khí khá lớn ở TPHCM nhằm sản xuất ống sơ mi. Đầu tháng 10-2017, doanh nghiệp này cũng liên kết cung cấp một số phụ tùng cơ khí cho Công ty xe Phương Trang…
Hợp tác cùng có lợi
Để tạo hướng đột phá về công nghiệp, TP Cần Thơ đang tính đến xây dựng một trung tâm cơ khí có quy mô cấp vùng ĐBSCL. Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, hiện ở gần chân cầu Cần Thơ (phía quận Cái Răng) có khu đất rộng khoảng 20ha rất thuận tiện về giao thông đường bộ và đường thủy. Khu đất này dự kiến sẽ xây dựng trung tâm thương mại, cơ khí… trong đó, dành khoảng 5ha làm nơi trưng bày, giới thiệu, giao lưu, mua bán… các sản phẩm, vật tư về cơ khí (tất cả những gì liên quan đến sắt). Nhưng để trung tâm này sớm được hình thành, rất cần ngành công thương TPHCM, các hiệp hội và doanh nghiệp TPHCM giúp sức.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho rằng: “Ngành công thương 2 thành phố đã ký kết chương trình hợp tác về công nghiệp. Bản thân TPHCM có nhiều doanh nghiệp mạnh về cơ khí, nhựa, cao su… và TPHCM sẵn sàng hỗ trợ Cần Thơ trong việc xây dựng trung tâm cơ khí, cũng như kết nối tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp do TPHCM sản xuất”.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí - điện TPHCM, nhìn nhận: “Trong xu thế vùng ĐBSCL được quan tâm đầu tư phát triển như hiện nay, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, ở đó Cần Thơ là thủ phủ của toàn vùng; vì vậy việc đầu tư xây dựng trung tâm về cơ khí rất quan trọng. Đây là ý tưởng hay. Tuy nhiên, để việc này trở thành hiện thực, chính quyền TP Cần Thơ cần có những chính sách rõ ràng về ưu đãi thu hút đầu tư, chính sách đất đai ra sao, doanh nghiệp TPHCM đầu tư tại trung tâm này hoặc đưa sản phẩm công nghiệp về đây trưng bày, tiêu thụ sẽ được hưởng cơ chế như thế nào…”.
Cũng mong muốn đưa sản phẩm về Cần Thơ tiêu thụ, lãnh đạo Hội Cao su - nhựa TPHCM cho biết, hiện các doanh nghiệp thành viên của hội sản xuất tới 70% về vỏ xe cung ứng ra thị trường và nhiều sản phẩm cơ khí nông nghiệp khác. Nội lực của doanh nghiệp thuộc hội rất lớn và mong muốn đầu tư hoặc đưa trực tiếp sản phẩm về Cần Thơ, cũng như vùng ĐBSCL tiêu thụ ngày càng nhiều. Do đó, việc kết nối giữa ngành công thương 2 thành phố rất có ý nghĩa. Song, cần làm rõ thêm vấn đề kết nối này là “cánh tay nối dài” hay “hợp tác cùng phát triển”.
Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng nên nghiên cứu xây dựng các “chợ đầu mối” về sản phẩm công nghiệp như cơ khí, cao su, nhựa… Khi có “chợ đầu mối”, các doanh nghiệp của TPHCM đưa sản phẩm về tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn. Đồng thời, tính toán đến việc chuyển giao công nghệ từ TPHCM về cho Cần Thơ ứng dụng dài hạn, chứ không đơn thuần là mua sản phẩm. Ví dụ, khi máy nông nghiệp nào đó ở ĐBSCL bị hỏng thì ngay tại Cần Thơ phải có đội ngũ sửa chữa, chứ không chờ kỹ sư từ TPHCM xuống sẽ mất thời gian...
Lãnh đạo Sở Công thương TP Cần Thơ và các doanh nghiệp cơ khí ở xứ Tây Đô đánh giá cao những ý tưởng của ngành công thương và doanh nghiệp TPHCM góp ý, mở ra cho Cần Thơ cái nhìn mới; cũng như nhu cầu cấp thiết để hình thành nên trung tâm tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, máy móc, vật tư… cấp vùng, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ĐBSCL trong tình hình mới. Đề án xây dựng trung tâm này sẽ sớm hoàn thiện, đồng thời tiếp tục bàn thảo để đưa ra những cơ chế, chính sách tốt nhất nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp TPHCM về Tây Đô đầu tư, làm ăn dài hạn…