Ý tưởng từ cuộc sống
Theo số liệu báo cáo, trên địa bàn TPHCM có khoảng 22 triệu tài khoản mạng xã hội, chủ yếu trên các ứng dụng Facebook, Zalo… Mạng xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu trong đời sống người dân, đã giúp mọi người dễ dàng thiết lập, xây dựng, tương tác với các mối quan hệ; thực hiện mua sắm, nắm bắt thông tin kinh tế - xã hội.
Nếu sử dụng hiệu quả, mạng xã hội sẽ mang những tiện ích lớn. Trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, nhờ nối kết qua mạng xã hội mà người dân và chính quyền liên hệ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích mang lại, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức tác động trực tiếp đến chủ quyền quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Các đối tượng xấu thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đăng tải bài viết có nội dung độc hại, tuyên truyền xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân, làm mất an ninh, trật tự xã hội.
Trước thực trạng trên, công an một số quận, huyện đã xây dựng trang mạng xã hội riêng để phục vụ công tác tuyên truyền, định hướng, cung cấp thông tin chính thống đến người dân. Những trang mạng xã hội sơ khai ban đầu đã phát huy tác dụng, nhưng chưa chuyên sâu, mức độ lan tỏa còn thấp. Công tác quản lý, điều hành hoạt động các trang mạng xã hội còn nhiều bất cập; việc tiếp nhận, xử lý thông tin của người dân cung cấp qua mạng xã hội còn lúng túng, hiệu quả chưa cao, chưa kịp thời.
Xuất phát từ thực trạng trên, nhóm tác giả đã tham mưu đề xuất Ban Giám đốc Công an TPHCM thiết lập các trang mạng xã hội của các đơn vị trực thuộc để phục vụ công tác, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Công trình khoa học ra đời từ đó.
Công an thường xuyên sử dụng mạng xã hội cảnh báo người dân cảnh giác trước tình trạng lừa đảo |
Trung tá Lê Xuân Cường, đại diện nhóm tác giả, cho biết, công trình nghiên cứu khoa học đã được chứng minh tính hiệu quả, thiết thực trên thực tế và trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực của Công an TPHCM, được tổ chức triển khai trên diện rộng các trang mạng xã hội trong các đơn vị Công an TPHCM.
Hiệu quả từ thực tiễn
Từ tháng 6-2020, công trình nghiên cứu của Đội Tham mưu An ninh đã được Ban Giám đốc Công an TPHCM triển khai ứng dụng tại các quận, huyện. Công trình khoa học đã được chứng minh hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống.
Chẳng hạn như Công an quận Tân Phú đã tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm về việc một nhóm đối tượng đang thực hiện hành vi in ấn băng rôn, biểu ngữ để phục vụ cho hoạt động tụ tập đông người, biểu tình trên địa bàn. Qua tiếp nhận nguồn tin trên ứng dụng mạng xã hội, Công an quận Tân Phú đã phối hợp với các đơn vị quân sự quận kịp thời xử lý các đối tượng xấu, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật ngay từ đầu.
Ngoài ra, các trang mạng xã hội còn phục vụ ngành công an trong công tác chỉ huy, điều hành. Công an TPHCM đã ban hành 21 văn bản triển khai trong nội bộ về quy trình đăng ký, vận hành cũng như quản lý tài khoản, đăng tải bài viết và cách thức quảng bá đến với người dân. Hiệu quả công trình khoa học sử dụng mạng xã hội để phục vụ công tác công an đã mang lại kết quả khả quan. Đến cuối năm 2022, Công an TPHCM đã sử dụng 187 trang mạng xã hội và đã thu hút trên 4,7 triệu lượt người thích, tiếp cận, theo dõi.
Các đơn vị trong lực lượng đã đăng tải trên 23.200 tin, bài viết, video, hình ảnh và đã thu hút trên 14,4 triệu người tiếp cận, xem và 1,7 triệu lượt người tương tác. Lực lượng công an đã trả lời trên 481.000 tin nhắn từ người dân liên quan đến thủ tục hành chính và trên 4.800 tin nhắn, thông tin liên quan đến tình hình an ninh trật tự.
Mạng xã hội không chỉ là cầu nối giữa công an với người dân mà còn mang lại hiệu quả tích cực trong phòng chống tội phạm. Từ mạng xã hội, Công an TPHCM đã bắt giữ 12 vụ, 98 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy và các vụ đua xe trái phép, tổ chức đánh bạc trái phép, mua bán hàng giả, cho vay nặng lãi.