Vòng chung kết cuộc thi Toán học thế giới (World Mathematical Olympiad) năm 2017 do Hiệp hội Olympiad Toán học Thế giới (WMO) tổ chức vừa diễn ra tại Thiên Tân (Trung Quốc). Kết quả giải ba toàn đoàn đã đánh dấu sự tiến bộ đáng khích lệ và hội nhập chóng của học sinh Việt Nam khi ứng dụng kiến thức toán học trong nhà trường để giải quyết vấn đề thực tiễn.
Sân chơi trí tuệ
Đầu tháng 4-2017, Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Công ty EMG Education - đơn vị đại diện chính thức tại Việt Nam của Hiệp hội Olympiad Toán học Thế giới – WMO tổ chức cuộc thi “Toán học – Tư duy và Thực tiễn” lần thứ hai nhằm tìm kiếm những học sinh xuất sắc nhất đại diện đội tuyển Việt Nam tranh tài.
Cuộc thi thu hút 1.266 học sinh từ lớp 5 đến lớp 8 của hơn 100 trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn TPHCM tham gia (tăng 500 em so với cuộc thi lần thứ nhất).
Học sinh tham gia kỳ thi thực hiện một bài thi bằng tiếng Việt trong 90 phút và một bài thi tiếng Anh trong 60 phút về Toán tư duy. Bài thi đòi hỏi sự sáng tạo và áp dụng linh hoạt kỹ năng sử dụng Toán học để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống hiện đại.
Kết quả, 12 học sinh xuất sắc của khối lớp 5 và 6 của các trường trên địa bàn TPHCM đã được chọn vào đội tuyển tham gia vòng chung kết cuộc thi WMO 2007 tại Trung Quốc.
7 huy chương đồng thuộc về: Phạm Quang Minh, Nguyễn Khắc Hồng Hải, Hồ Vũ Minh Khang, Nguyễn Hoàng Phúc, Trương Công Huy Hoàng, Lê Nguyễn Bảo Huy (THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) và em Nguyễn Cao Minh (học sinh THCS Nguyễn Huệ, Tân Phú).
Ngoài ra, đoàn học sinh Việt Nam còn đoạt giải ba đồng đội, Thái Lan giành giải nhì và đội chủ nhà Trung Quốc giành giải nhất.
Hội đồng giám khảo đánh giá cao đội tuyển Việt Nam, các em thể hiện được khả năng tư duy toán học ứng dụng tốt và kỹ năng phối hợp làm việc nhóm. Đặc biệt học sinh Việt Nam giao tiếp bằng tiếng Anh rất tự tin.
Ông Chung Koog Lee, Phó Chủ tịch Hiệp hội WMO cho biết, năm nay, cuộc thi WMO được tổ chức quy mô và nội dung khảo thí tốt nên đã tạo sân chơi trí tuệ, trải nghiệm tốt nhất về toán học và giao lưu cho học sinh đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Cuộc thi không mang tính thắng thua mà là cơ hội để các tài năng toán học trẻ tuổi trên thế giới cọ sát, thử sức với các bạn đồng trang lứa đại diện cho các quốc gia có nền toán học phát triển. Sự hợp tác, giao lưu này mong muốn xóa bỏ biên giới hoàn toàn, chỉ có sự hợp tác của các chủ nhân trẻ tuổi với niềm đam mê toán học. “Tuy mới tham gia năm thứ hai nhưng đoàn học sinh Việt Nam thể hiện chất lượng, gặt hái thành tích cao với 2 huy chương bạc, 7 huy chương đồng. Chúng tôi hy vọng thông qua đại diện của WMO tại Việt Nam là EMG Education, đoàn học sinh Việt Nam sẽ đóng góp nhiều thành tích hơn nữa cho WMO trong tương lai” - ông Chung Koog Lee nhận xét.
Nuôi dưỡng đam mê toán học
WMO là kỳ thi toán học quốc tế dành cho học sinh từ 8 đến 13 tuổi. Hàng năm kỳ thi này thu hút hàng ngàn học sinh từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Australia, Canada, Mỹ... tham dự.
Sân chơi trí tuệ WMO này tạo cơ hội cho những học sinh - tài năng toán học trẻ tuổi đến từ nhiều quốc gia có nền toán học phát triển hàng đầu.
Bài thi WMO chú trọng tính sáng tạo, khả năng làm việc nhóm, tư duy suy luận trực giác, đặc biệt là khả năng giải quyết vấn đề của học sinh thông qua việc kết hợp tích hợp kiến thức toán học với ứng dụng khoa học, công nghệ. Bên cạnh vòng thi viết cá nhân, học sinh trải qua vòng thi đồng đội, thiết kế sáng tạo, giải toán tiếp sức.
Thầy Phạm Ngọc Tiến (đại diện Sở GD-ĐT TPHCM), Trưởng đoàn Việt Nam tham dự WMO cho biết, tham gia cuộc thi là một trải nghiệm hết sức đáng nhớ của tất cả các em. Không những có thêm động lực trong học tập, các học sinh giỏi toán, ngoại ngữ còn có khát khao chiến thắng và tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê toán học.
Em Tô Huỳnh Phúc (HS lớp 6, Trường Trần Đại Nghĩa) đoạt huy chương bạc cho biết cảm nhận về cuộc thi rất ấn tượng. Các bài thi tuy khó nhưng thú vị và đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ, xử lý vấn đề nhanh. So với nhiều cuộc thi mà Phúc đã tham gia, em thấy cuộc thi WMO này hay hơn nhiều.
Còn bạn Dương Hoàng Phúc Quang (cũng là HS lớp 6, Trường Trần Đại Nghĩa cùng giành huy chương bạc) cho rằng, khi được giao lưu với các bạn cùng trang lứa, em học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm tổ chức nhóm, phân vai, chia công việc, xử lý tình huống bài thi để mang lại hiệu quả tốt nhất…
Các học sinh khác cũng bày tỏ cảm nhận thú vị khi bài toán yêu cầu chế tác tác phẩm sáng tạo như thực hiện một cái cầu, quản lý nông trại, tạo tia sáng laser, “lá cờ Einstein”…Trải nghiệm cùng đồng đội đưa ra ý tưởng, vận dụng thực tiễn, xử lý tình huống dựa trên kiến thức toán học khiến các em càng yêu thích hơn môn toán, rèn luyện khả năng ngoại ngữ để hòa nhập với học sinh trên thế giới.
Mục tiêu của cuộc thi WMO là xây dựng tình bạn, tình đồng đội, đoàn kết làm việc nhóm. Thông qua cầu nối này, học sinh hướng tới tương lai coi toán học là trụ cột vững chắc để chung ý tưởng phát minh sáng chế. Hành trang kỹ năng này sẽ giúp các em đón nhận thử thách của cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra.
Trong năm tới, cuộc thi Toán học thế giới có thể được tổ chức tại ĐH Stanford (Mỹ). Tổ chức Khảo thí ACT đầy uy tín của Mỹ đã nhận lời trở thành thành viên của WMO. Sự tham gia của ACT tác động tích cực để nhiều quốc gia chú ý hơn khi tạo các sân chơi trí tuệ dành cho tài năng toán học nhỏ tuổi.