Những kịch bản tốt, nghệ sĩ tốt và cả sân khấu cũng rất tốt… nhưng liệu những vở kịch đã được khẳng định theo năm tháng có đủ mạnh để đưa khán giả trở lại với sân khấu?
Hội tụ những nghệ sĩ tài năng
Chuyên đề kịch mang tên Những vở kịch còn mãi với thời gian là chuỗi hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Lớn Hà Nội theo chủ trương bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, xây dựng tác phẩm chất lượng cao được Bộ VH-TT-DL khởi động 1 năm trước đó.
Theo ban tổ chức, sẽ có 11 vở kịch của 2 nhà hát kịch thuộc Bộ VH-TT-DL (Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ) và 3 đơn vị khách mời (Nhà hát Kịch Hà Nội, Kịch nói Quân đội, Đoàn Kịch nói Công an nhân dân). Những vở diễn tham gia trong tháng 8 đều phong phú, đa dạng về đề tài, thể loại và đều là những vở diễn được đánh giá cao.
Với sân khấu cổ điển có Vòng phấn Kavkaz, vở kịch kinh điển của Bertol Brecht. Người yêu mến kịch của Lưu Quang Vũ lại có dịp thưởng thức Ai là thủ phạm. Sân khấu chính kịch với tác phẩm thuộc hàng lâu đời nhất Cát bụi của NSND Xuân Huyền dựng cho Nhà hát Kịch Hà Nội, ra mắt năm 2004, Điện thoại di động cũng của Nhà hát Kịch Hà Nội ra mắt năm 2005, hoặc các vở diễn mới dựng như Dưới cát là nước của đạo diễn NSND Lê Hùng (Nhà hát Kịch nói Quân đội) vừa dự Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế cuối năm 2016, Kiều của Nhà hát Kịch Việt Nam được NSND Anh Tú dựng năm 2016, hay Lão hà tiện của Molière do đạo diễn NSND Tuấn Hải (Nhà hát Kịch Việt Nam) dàn dựng ra mắt đầu năm 2017.
Cảnh trong vở Vòng phấn Kavkaz - Nhà hát Tuổi Trẻ
Dễ nhận thấy, thể loại chính kịch, tâm lý xã hội (9 vở) được các nhà hát đưa vào Nhà hát Lớn nhiều hơn là hài kịch. Chỉ có 2 vở hài kịch, trong đó có 1 kịch bản cổ điển của hài kịch nước ngoài.
Chương trình cũng hội tụ những nghệ sĩ tên tuổi nhất của sân khấu kịch hiện nay. Theo đạo diễn, NSƯT Chí Trung, dù đã ra đời lâu hay mới đây, 11 vở diễn bước vào Nhà hát Lớn trong tháng 8 này đều là những tác phẩm hay, tinh túy của những người làm sân khấu kịch nói trong thời điểm này.
NSƯT Chí Trung ví von 11 tác phẩm trong chương trình giống như những “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Bởi dù hay, dù đẹp nhưng với thực trạng đáng buồn của sân khấu hiện nay, ít buổi diễn, ít đỏ đèn, khán giả khá thờ ơ... thì số lượng người biết tới các vở diễn không nhiều. Và đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ tụ hội, đưa kịch gần hơn với khán giả.
Khích lệ nghệ sĩ hay khán giả?
Không kỳ vọng chương trình Những vở kịch còn mãi với thời gian là cứu cánh đối với sân khấu, nhưng với các nghệ sĩ thì đó là sự khích lệ, động viên lớn để họ tiếp tục nuôi dưỡng niềm tin, tình yêu đối với sân khấu.
NSƯT Chí Trung chia sẻ: “Các nghệ sĩ trẻ của sân khấu kịch hiện nay đi đóng phim, đi diễn show bên ngoài rất nhiều, nhưng khi nhà hát gọi về diễn, các em đều sẵn sàng trở về ngay và nhiệt tình tập luyện, biểu diễn. Được vào Nhà hát Lớn biểu diễn, chắc chắn cảm xúc của nghệ sĩ thăng hoa hơn…”.
Cùng nỗi niềm này, Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội cũng cho rằng, việc tổ chức chương trình là sự kiện đáng vui mừng. “Đặc thù của chúng tôi là có đối tượng riêng, đó là biểu diễn phục vụ bộ đội, chiến sĩ, nhưng nhìn chung, sân khấu đang rất khó khăn và nghệ sĩ rất vất vả để giữ nghề. Để tác phẩm sân khấu đến được với khán giả một cách rộng nhất, đó là tôn vinh các vở diễn tại “thánh đường nghệ thuật”… Nó sẽ không chỉ khiến người làm nghề thêm phấn chấn mà còn cho nghệ sĩ sự thăng hoa, tình yêu với sân khấu”.
Được diễn ở sân khấu cổ kính nhất thủ đô là điều vô cùng tự hào đối với nghệ sĩ, song họ cũng không giấu nổi lo lắng, làm sao để đưa vở diễn đến được khán giả.
NSƯT Xuân Bắc, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, cho biết: “Mong muốn của các nhà hát không chỉ là bán được vé, có doanh thu, mà quan trọng hơn là giới thiệu được đến với công chúng về kịch, kéo công chúng đến với kịch, khẳng định sức sống của kịch vẫn còn. Chúng tôi muốn qua chương trình này, “nương” vào nhau để xây dựng sức mạnh tập thể, qua đó giữ lại niềm tin cho các nghệ sĩ kịch”.
NSƯT Ngọc Thư, Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội cũng thổ lộ, quan trọng nhất là phải đưa tác phẩm có chất lượng thực sự đến với khán giả thực thụ chứ không phải chỉ có các gia đình nghệ sĩ đi xem…
Khán giả vẫn quen mức giá vé là 200.000 đồng ở các nhà hát, nên khi mua vé vào Nhà hát Lớn cũng dè dặt hơn. Một số nhà hát bây giờ nhờ vào mối quan hệ của nghệ sĩ, lãnh đạo để bán vé.
Trong đợt trình diễn này, đại diện của Nhà hát Lớn Hà Nội cho biết, đã đẩy mạnh hơn công tác quảng bá. Thông tin chương trình đã được đẩy lên website và một số phương tiện truyền thông từ 2 tháng trước nên lượng khách lẻ tìm đến mua vé cũng có tín hiệu khả quan...