Thế nhưng, có nhiều thầy cô vẫn âm thầm cống hiến, lặng lẽ động viên học trò mình theo nghề giáo, bởi ở đó tuy không có vinh hoa phú quý nhưng đầy ắp những yêu thương. “Huấn luyện viên” trong lớp học Trong số 20 thầy cô được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 2 tại Đà Nẵng lần này có thầy giáo Nguyễn Chí Liêm, giáo viên môn Toán của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
Thầy Nguyễn Chí Liêm đang hướng dẫn học sinh lớp chuyên Toán làm bài tập
Tốt nghiệp Sư phạm Toán - Đại học Quy Nhơn năm 1993, thầy Nguyễn Chí Liêm về Quảng Ngãi dạy ở Trường THPT chuyên Lê Khiết. Được đào tạo bài bản và được về công tác tại trường chuyên nên thời gian này, thầy Liêm có nhiều điều kiện để nghiên cứu. Càng bám trường bám lớp, thầy càng thêm yêu quý học trò. Tình yêu thương này đã thôi thúc thầy luôn nghiên cứu, tìm tòi cái mới, cái hay của những con số để chia sẻ với học trò. Vì thế, thầy Liêm thi và học thạc sĩ, rồi tiếp lên nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Đến năm 2014, vì vợ chuyển công tác ra Đà Nẵng, con cái theo cùng, nên thầy Liêm xin chuyển công tác về Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) để gần gia đình.
Mặc dù thời gian công tác tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn chỉ mới 3 năm, nhưng thầy Liêm đã được đồng nghiệp nể trọng, học sinh yêu quý bởi những đóng góp hết mình trên bục giảng. Liên tiếp trong các năm học 2015-2016 và 2016-2017, thầy Liêm trực tiếp giảng dạy và làm chủ nhiệm lớp có học sinh đoạt 2 giải nhất kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia môn Toán học. Nói về thành công của mình cũng như thành công của học trò, thầy Liêm chia sẻ: “Ở ngôi trường này có rất nhiều thầy cô giỏi, họ đóng góp thầm lặng hàng chục năm qua với nhiều thế hệ học trò thành công. Đối với tôi, khi mới về trường 3 năm đã có học sinh đoạt 2 giải nhất quốc gia, đó là nhờ sự may mắn khi được dạy những em học sinh học giỏi. Tôi chỉ là một “huấn luyện viên”, phân biệt được thế mạnh của từng em, đặt các em đúng vị trí. Còn thắng là nhờ tài năng của các em”. Hỏi về kỷ niệm, về niềm vui suốt quãng thời gian theo nghề dạy học, thầy Liêm bảo mỗi ngày đến lớp, cùng học trò nghiên cứu, giải những bài toán khó, đó là niềm vui. Nhưng có lẽ, niềm vui lớn nhất là những học trò giỏi, xuất sắc đã chọn trường sư phạm để thi. Thầy giải thích, tại Trường chuyên Lê Quý Đôn, hầu hết là học sinh giỏi, xuất sắc của thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam, học lực của các em rất tốt. Ngoài kiến thức học ở trường, các em còn được thầy định hướng để tiếp cận các tài liệu mới trên những tạp chí chuyên ngành của nước ngoài, để cập nhật kiến thức mới của ngành Toán học quốc tế. Vì vậy, rất ít khi các em chọn ngành sư phạm, mà thường chọn các ngành có thể ra nước ngoài học ở những bậc học cao hơn. Thầy Liêm cho biết: “Trong năm học vừa rồi, lớp tôi dạy và chủ nhiệm có em Trần Đức Thanh chọn thi vào ngành Sư phạm Toán. Em ấy học rất giỏi môn Toán nhưng em ấy chọn ngành sư phạm, trong khi với các ngành khác, em có nhiều cơ hội hơn. Thấy một học trò xuất sắc chọn theo ngành sư phạm, tôi rất vui”. Theo thầy Liêm, sở dĩ ngày càng ít học sinh theo học ngành sư phạm là bởi xã hội nhìn nhận không đúng và không công bằng về thầy cô, rồi từ đó dẫn đến những đánh giá khắt khe đến mức cực đoan. “Thất bại của người thầy thì ai cũng có thể thấy ngay, trong khi kết quả của người thầy mang lại thì có khi mấy chục năm sau mới thấy được. Vì thế, tôi mong xã hội nhìn nhận về thầy cô một cách rộng lượng và công bằng hơn, để người thầy có đủ niềm đam mê và truyền lửa cho học sinh nối bước theo nghề giáo”, thầy Liêm chia sẻ.
Kết quả học tập của lớp 12A1 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn do thầy Nguyễn Chí Liêm làm chủ nhiệm có rất nhiều thành tích nổi bật so với mặt bằng chung. Ngoài các học sinh đoạt giải trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia môn Toán, còn có 1 em đoạt giải nhất kỳ thi Khoa học - Kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Nam; có những em là thủ khoa đại học (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng; khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng); nhiều em nhận học bổng ở các trường đại học hàng đầu của khu vực và quốc tế, cá biệt có em nhận được học bổng của hàng chục trường đại học trên thế giới...
Là một trong những giáo viên đầu tiên của Trường THPT Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn) kể từ ngày thành lập, 18 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy đã dìu dắt, dạy dỗ nhiều thế hệ học trò bằng tình yêu thương của một giáo viên dạy Văn.
Tốt nghiệp Sư phạm Văn - Đại học Sư phạm Huế năm 1991, cô Thủy về dạy tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Năm 1999, khi Trường THPT Ngũ Hành Sơn được thành lập ở vùng ven biển nghèo chỉ có cát và đá của Đà Nẵng, cô lại chuyển về và gắn bó với trường, với lớp, với bao thế hệ học trò nghèo nơi đây. 18 năm đứng lớp, rồi làm Tổ trưởng chuyên môn, cô Thủy đến với đồng nghiệp, với học sinh không chỉ bằng kiến thức sách vở, mà ở đó là sự chân thành, bằng trái tim nhân văn của một cô giáo dạy Văn.
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy trong một buổi đứng lớp
Cô Thủy nhớ lại những ngày đầu trường mới thành lập, học sinh phần lớn còn nghèo, gia đình sống bằng nghề thủ công ở làng đá Non Nước. Khi cuộc sống còn khó khăn, việc học không quan trọng bằng việc kiếm sống. Vì thế, các em học sinh đi học một buổi và về làm nghề đục tượng đá một buổi. Có những em bỏ hẳn việc học để đi làm. “Mỗi lần học sinh bỏ học, thầy cô chúng tôi phải đến tận nhà để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, rồi động viên các em trở lại lớp. Có những em bỏ học rồi đi học lại, nay thành danh, năm nào dịp 20-11 cũng về thăm trường, thăm thầy cô”, cô Thủy tâm sự.
26 năm đi dạy, 18 năm “trụ” lại một ngôi trường, cô Thủy đã để lại trong lòng đồng nghiệp, học sinh nhiều tình cảm mến yêu. Cô Thủy bảo, phương châm dạy học tốt nhất của người giáo viên đó là thân thiện, tạo mối giao lưu, gắn kết, đồng cảm với học trò. Dù phương pháp dạy học hay chương trình học có đổi mới cách nào, đến đâu, trước tiên người giáo viên cũng phải tìm được sự gắn kết với học sinh. Tại Trường THPT Ngũ Hành Sơn, cô Thủy còn được biết đến là một giáo viên 5 năm liền có thành tích trong luyện thi học sinh giỏi môn Văn. “Năm học 2016-2017, lần đầu tiên học trò THPT Ngũ Hành Sơn xuất sắc đoạt giải nhất môn Văn. Ở một ngôi trường vùng ven, nơi mặt bằng kinh tế của bà con còn thấp, đầu vào của học trò cũng không cao so với các trường khác, nhưng các em vẫn quyết tâm học tập chăm chỉ. Với mình, thành quả của học trò là hạnh phúc của người làm nghề giáo”, cô Thủy chân tình chia sẻ.