Tránh bảo hộ ngược
Theo số liệu của Bộ TT-TT, Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ PT-TH trả tiền. Đến hết quý 2, thị trường truyền hình trả tiền có mức tăng trưởng về doanh thu xấp xỉ 9,5% so với cùng kỳ 2021. Doanh thu đối với dịch vụ OTT TV (dịch vụ truyền hình xuyên biên giới, cung cấp trực tiếp qua internet) tăng trưởng xấp xỉ 300% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài các doanh nghiệp đã được cấp phép và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, thị trường truyền hình trả tiền trong nước đang có sự tham gia của một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới như: Netflix, AppleTV, WeTV, IQIYI…
Cục PT-TH và thông tin điện tử chỉ rõ, các doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ, nội dung theo yêu cầu (VOD) phải được thực hiện biên tập chặt chẽ bởi cơ quan có giấy phép hoạt động PT-TH. Tuy nhiên, nội dung VOD trên các dịch vụ OTT TV của doanh nghiệp nước ngoài thường không biên tập, phân loại, cảnh báo theo quy định pháp luật Việt Nam, dẫn tới nhiều nội dung vi phạm các điều cấm, như: xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đầu tháng 10, Netflix đã lần thứ 5 bị cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam buộc gỡ bỏ phim có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Việc Nghị định 71/2022/NĐ-CP được ban hành đã bổ sung nhiều quy định quản lý mới, được cho là tạo hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn đưa hoạt động của các loại hình cung cấp dịch vụ PT-TH đi vào khuôn khổ.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm nhận định, Nghị định 71 tạo mặt bằng pháp lý chung giữa doanh nghiệp Việt Nam cung cấp các dịch vụ trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam sẽ được kinh doanh trên cùng mặt bằng pháp lý, tránh bảo hộ ngược, tránh tình trạng lâu nay là “không quản lý” các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới mà chỉ quản lý doanh nghiệp trong nước.
Bổ sung nhiều quy định xử lý, ngăn chặn
Nghị định 71 chia các dịch vụ PT-TH thành 3 nhóm. Cụ thể, nhóm chương trình tin tức, thời sự; các chương trình về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội do cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động PT-TH sản xuất, biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ. Nhóm phim phải thực hiện việc phân loại phim theo tiêu chí phân loại do Bộ VH-TT-DL quy định. Với nhóm chương trình thể thao, giải trí: doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động biên tập, phân loại trước khi cung cấp trên dịch vụ và hiển thị cảnh báo trong khi cung cấp dịch vụ, căn cứ nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung theo quy định của Bộ TT-TT, quy định của pháp luật liên quan, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam.
Đại diện Cục PT-TH và thông tin điện tử nhấn mạnh, một nội dung quan trọng là Nghị định 71 sẽ điều chỉnh quy định về quản lý biên dịch theo hướng doanh nghiệp được chủ động trong hoạt động biên dịch. Biên dịch VOD nước ngoài, kênh nước ngoài phải bảo đảm tôn trọng, bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam; nội dung biên dịch phải được biên tập, phân loại theo đúng quy định. Nghị định 71 cũng bổ sung các quy định để nâng cao trách nhiệm của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động PT-TH trong hoạt động liên kết sản xuất chương trình; bổ sung quy định giao cơ quan có thẩm quyền triển khai ngăn chặn nội dung truyền hình theo yêu cầu không thực hiện biên tập theo quy định.
Cụ thể, theo ông Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục PT-TH và thông tin điện tử, đối tượng của Nghị định 71 là các doanh nghiệp được thành lập theo luật Việt Nam và phải được cấp phép. Xử lý hành chính được áp dụng trong trường hợp các vi phạm ảnh hưởng tới xã hội không ở mức độ cao. Trường hợp ở mức độ cao thì Bộ TT-TT sẽ yêu cầu các nhà mạng ngăn chặn nội dung vi phạm, gây ảnh hưởng, sau đó mới có biện pháp xử lý vi phạm, thậm chí có thể sẽ thu hồi giấy phép.