Đưa hệ thống dữ liệu và AI vào giảng dạy

Thời gian qua, hệ thống dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI) đã góp phần đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý và triển khai hoạt động giảng dạy tại các trường học trên địa bàn TPHCM, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi những giải pháp “sát sườn”, tạo ra những chuyển biến đồng bộ.

Cơ hội và thách thức

Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM, xã hội hiện có 2 góc nhìn trái ngược về ứng dụng AI. Một mặt, công cụ này được công nhận có tiềm năng to lớn đẩy nhanh quá trình phát triển, góp phần tạo ra các giá trị mới; song mặt khác, nó sẽ dần thay thế giáo viên hoặc bị lợi dụng vào các mục đích xấu, ảnh hưởng đến vấn đề đạo đức và trách nhiệm của cá nhân.

Ngành giáo dục đang có 4 nhóm dữ liệu lớn gồm: dữ liệu học sinh, dữ liệu giáo viên, dữ liệu nhà trường, dữ liệu học tập trực tuyến. Các nguồn dữ liệu này nếu được tạo điều kiện trở thành dữ liệu đầu vào của AI, sau đó thông qua hệ thống phân tích, tính toán cho ra kết quả là các dự đoán, đề xuất và hỗ trợ mang tính chất cá nhân hóa thì sẽ hỗ trợ rất nhiều cho ngành giáo dục. Theo đó, AI có thể tạo lộ trình học tập riêng cho từng học sinh dựa trên khả năng và tiến độ học tập của các em, tích hợp kiến thức vào các trò chơi giáo dục.

Riêng đối với giáo viên, AI hỗ trợ tạo ra các bài giảng, bài tập và tài liệu học tập có khả năng tùy chỉnh, hoặc trở thành “trợ lý ảo” giải đáp các câu hỏi thường gặp của học sinh. Công cụ này còn là kênh thông tin hữu ích để điều chỉnh nội dung và tốc độ học tập dựa trên hiệu suất của từng người học; phân tích dữ liệu để dự đoán xu hướng học tập, phục vụ yêu cầu quản lý của các trường học.

V4c.jpg
Học sinh tham gia Ngày hội giáo dục STEM do Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức tổ chức trong năm học 2023-2024. Ảnh: THU TÂM

Năm học 2024-2025, TPHCM thí điểm 2 mô hình ứng dụng AI vào giáo dục là hỗ trợ điều chỉnh lộ trình học tập và dự đoán nội dung kiến thức cần bồi dưỡng cho học sinh. Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TPHCM, ngành GD-ĐT đang đứng trước nhiều thử thách lớn về hạ tầng và nhân lực thực hiện.

“Cơ sở hạ tầng công nghệ hiện nay chưa đủ mạnh để lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn, chất lượng dữ liệu chưa cao, thiếu tính đồng bộ, nhất quán, nhân lực có chuyên môn về AI còn thiếu và yếu. Do đó, để đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu lớn và AI vào quá trình dạy học, cần đầu tư hệ thống máy chủ, mạng lưới, công cụ phân tích dữ liệu, đồng thời xây dựng quy trình thu thập, xử lý, quản lý dữ liệu chặt chẽ, có chế độ đào tạo, thu hút nhân tài vào lĩnh vực này”, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM nêu ý kiến.

Để triển khai hệ thống dữ liệu lớn và ứng dụng AI vào quản lý, dạy học, cần 4 nhóm giải pháp lớn về thể chế và đầu tư. Thứ nhất, xây dựng khung hành lang pháp lý rõ ràng. Thứ hai, tăng cường đầu tư ngân sách cho việc nghiên cứu, phát triển và triển khai các giải pháp công nghệ trong giáo dục. Thứ ba, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin. Thứ tư, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích giáo viên sáng tạo, đổi mới trong ứng dụng công nghệ.

Trích báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM

Nên phối hợp giữa nhiều ngành

Theo bà Nguyễn Phương Lan, Tổng Giám đốc EMG Education, trong giảng dạy tiếng Anh, AI có vai trò quan trọng và ngày càng phổ biến, giúp nâng cao trải nghiệm học tập bằng cách cá nhân hóa chương trình đào tạo, điều chỉnh theo nhu cầu cùng khả năng của mỗi học sinh. Các công nghệ như chatbots và ứng dụng học tập thông minh có thể hỗ trợ giáo viên trong việc tổ chức lớp học, cung cấp phản hồi tức thì cho học sinh, tạo môi trường học tập tương tác, linh hoạt.

Ngoài ra, AI có thể được sử dụng để cải thiện kỹ năng ngôn ngữ thông qua các ứng dụng, giúp người học luyện phát âm, cung cấp các phản hồi và đề xuất cá nhân hóa lộ trình học tập cho người học. Những công cụ này không chỉ giúp học viên dễ dàng tiếp cận kiến thức mà còn tạo cơ hội thực hành ngôn ngữ mọi lúc, mọi nơi, giúp việc học trở nên hiệu quả và thú vị hơn, góp phần đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Ngọc Quế, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục Edmicro, cho rằng, việc định danh kiến thức, học liệu số dùng chung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng dữ liệu lớn, cũng như triển khai các giải pháp AI nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy, cá nhân hóa quá trình học tập của người học.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu đó, cần xác định cụ thể tầm nhìn, định hướng tương lai cho giáo dục trong kỷ nguyên AI; làm rõ vai trò của AI là công cụ đắc lực hay thay thế một phần việc giảng dạy của giáo viên; vai trò, trách nhiệm của giáo viên hiện nay trong việc ứng dụng AI và tính minh bạch của AI trong kiểm tra, đánh giá người học.

Hiện nay, giáo dục là một trong những ngành chịu tác động nhiều nhất của chuyển đổi số nói chung, AI nói riêng, nhưng đồng thời cũng là ngành được hưởng lợi rất nhiều. Thực tiễn áp dụng AI hiện nay không chỉ dừng ở việc dạy và học mà còn tham gia phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu tạo ra những công nghệ, sản phẩm, ứng dụng mới trong lĩnh vực này. Để phát huy những mặt tích cực đó, chỉ nỗ lực của các trường phổ thông thôi chưa đủ mà còn cần sự chung tay của toàn ngành, gồm các trường đại học, phòng GD-ĐT 21 quận, huyện và TP Thủ Đức, Sở GD-ĐT, Công an TPHCM...

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM:

Ứng dụng AI vào quản lý dạy học

Ngành GD-ĐT đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có ứng dụng AI vào quản lý dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh. Cụ thể, theo Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2021-2030” do UBND TPHCM ban hành, bắt đầu từ năm học 2022-2023, TPHCM thí điểm giảng dạy AI tại các trường phổ thông.

Ngoài ra, một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch thực hiện chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI năm 2024 do UBND TPHCM phê duyệt là triển khai Đề án đào tạo nguồn nhân lực AI. UBND TPHCM cũng yêu cầu Sở GD-ĐT tiếp tục triển khai các đề án, đề tài về giảng dạy AI cho học sinh phổ thông, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, bồi dưỡng giáo viên dạy AI, Robotics...

Trên cơ sở các nhiệm vụ được giao, Sở GD-ĐT TPHCM đã “đặt hàng” Trường Đại học Sài Gòn xây dựng đề tài khoa học về giảng dạy AI cho học sinh phổ thông trên địa bàn thành phố. Theo nội dung của đề tài, việc giảng dạy AI bắt đầu từ khối 3, hướng đến mục tiêu mở rộng dạy đại trà cho học sinh ở tất cả bậc học.

TS NGUYỄN THÀNH HẢI, Viện Nghiên cứu giáo dục STEM, Đại học Missouri (Hoa Kỳ):

AI nâng cao hiệu quả giáo dục STEM

AI là một phần của giáo dục STEM (nội dung giảng dạy tích hợp kiến thức các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Đây là một trong những công cụ dạy học nổi lên gần đây, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả giáo dục STEM trong trường học, đồng thời thúc đẩy vai trò làm chủ của người học, thích ứng kịp thời với sự phát triển của xã hội.

Nếu làm chủ được công nghệ AI, người học sẽ đồng thời là người thiết kế, sử dụng công cụ này để tạo ra các nội dung học tập, qua đó nâng cao năng lực số, phát triển các kỹ năng và phẩm chất cá nhân. Riêng đối với giáo viên, AI hỗ trợ đắc lực các thầy, cô giáo thiết kế bài dạy; xây dựng ngân hàng câu hỏi kiểm tra, đánh giá học sinh, qua đó đa dạng hình thức học tập và nâng cao chất lượng giảng dạy.

Trong quá trình ứng dụng AI, người dạy và người học tăng cường tương tác, dạy học được cá nhân hóa phù hợp với từng đối tượng học sinh. Như vậy, AI không chỉ thay đổi về nhận thức mà còn thay đổi hành vi, phương pháp dạy học của giáo viên. Nếu trường học chờ cơ chế, chính sách rồi mới thực hiện thì sẽ trở thành lạc hậu. Thay vào đó, các thầy, cô giáo cần mạnh dạn làm, sai ở đâu thì rút kinh nghiệm ở đó.

Tin cùng chuyên mục