Tạo ấn tượng tốt
Mới đây phiên chợ hàng Việt đầu tiên về nông thôn huyện Vị Thủy đã được tỉnh Hậu Giang tổ chức sau thời gian phải tạm ngưng vì dịch bệnh. Để khuyến khích các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tham gia, đơn vị tổ chức hỗ trợ toàn bộ chi phí thuê gian hàng dành cho khu hàng Việt. Dù bước đầu mới thu hút khoảng 100 gian hàng, song phiên chợ đã trở thành nơi kết nối hiệu quả cho người sản xuất tới NTD nông thôn. Tại phiên chợ này, bên cạnh các gian hàng Việt còn số lượng lớn gian hàng thương mại, đủ loại hàng tiêu dùng, dệt may, văn phòng phẩm, giống cây trồng. Điểm chung của nhiều gian hàng thương mại là giá cả phải chăng, hàng hóa đa dạng. Đơn cử, sản phẩm quần áo thời trang giá từ 50.000-250.000 đồng, đồ gia dụng, đồ dùng học sinh đồng giá 5.000-20.000-50.000 đồng, giày dép 35.000 đồng/đôi…
Theo Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, ngoài phiên chợ hàng Việt đầu tiên này, trong năm 2022 sở sẽ phối hợp cùng các địa phương tổ chức nhiều phiên chợ và chuyến xe bán hàng về nông thôn, nhằm tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là người dân nông thôn được tiếp cận sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Tại An Giang, cuối tháng 3 vừa qua, Sở Công thương tỉnh này đã phối hợp UBND huyện Châu Thành tổ chức lễ phát động Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2022. Theo đó, đợt 1, An Giang dự kiến tổ chức 40 chuyến bán hàng Việt lưu động, bắt đầu từ tháng 3 đến hết tháng 5. Các chuyến hàng do siêu thị Co.opmart Thoại Sơn và siêu thị Tứ Sơn thực hiện, bán tại các chợ, khu dân cư, khu công nghiệp, địa bàn nông thôn, miền núi. Dự kiến, mỗi điểm bán trong một buổi sáng và di chuyển sang điểm bán khác. Giám đốc Sở Công thương An Giang, ông Nguyễn Minh Hùng, cho biết, thời gian qua sở đã tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn thông qua 2 hình thức là phiên chợ và các chuyến bán hàng lưu động rất thành công, hiệu quả. Qua đó đã tạo được ấn tượng rất tốt cho NTD nông thôn với hàng Việt bởi giá cả hợp lý, mẫu mã đa dạng, phong phú. Tiếp nối thành công của chương trình, năm 2022, sở dự kiến sẽ phối hợp cùng doanh nghiệp tổ chức khoảng 100 chuyến bán hàng Việt tại các địa phương.
Góp phần ngăn chặn hàng giả
Là đơn vị có mạng lưới siêu thị Co.opmart phủ khắp các tỉnh ĐBSCL, đại diện Co.opmart cho biết, việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt và chuyến hàng Việt về nông thôn, siêu thị không đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Nhiều mặt hàng doanh nghiệp chỉ bán bằng giá vốn và tặng kèm khuyến mãi góp phần đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với NTD, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, hàng hóa trong các chuyến bán hàng đều sản xuất trong nước có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phù hợp nhu cầu NTD nông thôn và bán theo giá niêm yết.
Ở các địa phương khác trong khu vực như Long An, Cần Thơ, Tiền Giang… cũng đều có kế hoạch tổ chức hàng trăm chuyến hàng và phiên chợ về nông thôn. Hầu hết đều do doanh nghiệp, siêu thị trong vùng tích cực tham gia. Theo nhận định của Sở Công thương các tỉnh ĐBSCL, việc đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo quyền lợi NTD. Bên cạnh đó, từng bước xây dựng mạng lưới kênh phân phối, mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín với NTD, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam.
Bà Lê Thị Thảo, đại diện cơ sở Ngọc Thái, tỉnh An Giang: |