Đưa hàng đến dân đã bớt áp lực

Với việc 20.000 nhân viên của các siêu thị, nhà cung cấp được cấp giấy đi đường và sự “tái xuất” của 17.449 shipper đủ điều kiện đi làm, công tác chuẩn bị nguồn hàng, vận chuyển hàng giao cho người dân đã đỡ vướng mắc hơn trước. Đặc biệt, nỗ lực tìm nguồn hàng riêng phục vụ người dân của không ít cửa hàng thực phẩm nhỏ (được phép hoạt động) đã làm cho việc mua hàng của người dân “khỏe” hơn.
Shipper giao hàng cho khách trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TPHCM trưa 31-8. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Shipper giao hàng cho khách trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TPHCM trưa 31-8. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tìm “thị trường hẻm”

Tại khu vực phường Tân Chánh Hiệp, phường Tân Thới Hiệp, quận 12 TPHCM, người dân linh hoạt vừa đặt mua hàng tại tổ dân phố, đồng thời đặt mua tại các cửa hàng tiện lợi bên ngoài. Theo chị Nguyễn Thị Ngọc, ngụ tại chung cư Hưng Ngân (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12), cư dân chủ động gọi điện cho các cửa hàng bách hóa ngay tại chung cư. Sau đó, các cửa hàng bách hóa sẽ chọn hàng và thông báo cho cư dân đến nhận. “Tiền được chuyển khoản khi nhận hàng hoặc gửi trực tiếp khi đặt mua. Thực phẩm gồm thịt heo, thịt bò, cá, rau củ quả… Mình chủ động đặt trước 1-2 ngày sẽ nhận được đầy đủ hàng. Nói chung giá cả thời điểm này đều nhích hơn so với bình thường, nhưng không quá cao và chấp nhận được”, chị Nguyễn Thị Ngọc kể.

Chủ một cửa hàng bách hóa tại chung cư Hưng Ngân cho hay: “Phần lớn hàng hóa đều được lấy từ những mối quen biết trước đây và khá an toàn, vì chính tôi cũng có nhu cầu mua để ăn. Việc làm của chúng tôi lúc này cũng góp phần giảm bớt gánh nặng cho địa phương. Chúng tôi cũng phải xét nghiệm thường xuyên để đảm bảo an toàn”.

Đưa hàng đến dân đã bớt áp lực ảnh 1 Shipper giao/nhận hàng trên đường Nguyễn Thị Nghĩa, quận 1. Ảnh: CAO THĂNG 

Chị Lê Thị Diễm (ngụ đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh) chia sẻ, chị vừa đặt hàng tại siêu thị vừa chủ động gọi điện cho cửa hàng bách hóa gần nhà đặt mua cá, thịt, trái cây. “Lúc này nhiều nơi đều quá tải, nên phải chọn nhiều kênh mua sắm cho yên tâm”, chị Lê Thị Diễm cho biết.

Điểm qua một số trang bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội, nhiều người bán hàng vẫn nhận các đơn hàng trong cùng quận, huyện. Chẳng hạn, chị Vương Thị Dung (ngụ đường Nguyễn Thị Đặng, quận 12) thông tin, vẫn mua được thịt, rau quả ở gần nhà. Sườn non heo giá 230.000 đồng/kg, thịt ba rọi 190.000 đồng/kg, chả lụa 210.000 đồng/kg... “Đặt trước từ 1-2 ngày sẽ nhận được, nhưng cũng tùy ngày, vì có lúc số lượng mua chưa nhiều nên người bán không tiện giao hàng”, chị Vương Thị Dung nói. Anh Lê Văn Nam (ngụ đường Nguyễn Thị Căn, quận 12) cũng cho biết vừa nhận được 5kg cá saba Nhật Bản do một đồng nghiệp cùng cơ quan gửi tặng. Số hàng này giao đến tận tay người mua bằng xe tải nhỏ, nhưng phải mua từ 10kg trở lên mới được giao hàng.

Gánh nặng đã nhẹ bớt

Thông tin nhanh từ hệ thống siêu thị Co.opmart, cửa hàng tiện lợi Co.opfood, số lượng đơn hàng đổ về tăng khoảng 20% so với cách đây 3 ngày. Đối với các siêu thị lớn, tổng đơn hàng ước tính gần 1.000 đơn/ngày, còn các cửa hàng tiện lợi khoảng 500-700 đơn/ngày. Hiện tại siêu thị vẫn tập trung vào những đơn hàng mua chung, đơn hàng đi chợ giúp dân do quân đội, công an, các quận, huyện, TP Thủ Đức… thực hiện.

Đưa hàng đến dân đã bớt áp lực ảnh 2 Bộ đội đi chợ giúp dân tại một siêu thị BigC trên địa bàn TPHCM. Ảnh: THI HỒNG

Tương tự, đại diện Bách hóa Xanh cũng thống kê sơ bộ, vài ngày nay, lượng truy cập vào website bán hàng ước tính gần 1 triệu lượt, nên doanh nghiệp phải tăng cường điều tiết số lượng hàng hóa phục vụ người mua.

Ngày đầu tiên TPHCM cho shipper hoạt động trở lại đã nhận được sự ủng hộ của người dân. Anh Nguyễn Văn Hưng (ngụ đường Hoa Thị, phường 7, quận Phú Nhuận) cho biết, sáng 31-8, khi biết thông tin shipper được cho hoạt động lại, anh lên trang bán hàng của Lazada đặt thử máy hớt tóc tự động… Không ngờ 1 giờ sau, anh đã nhận được hàng với giá cả, chất lượng như cam kết. “Thực tế, hệ thống shipper rất chuyên nghiệp, nếu được test nhanh Covid-19 như quy định của nhà nước đưa ra để hoạt động thì rất tốt. Khi đội ngũ này hoạt động trở lại thì tôi nghĩ không chỉ máy hớt tóc mà nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng sẽ dễ mua hơn”, anh Hưng nói.

Đưa hàng đến dân đã bớt áp lực ảnh 3 Người dân đường Trần Phú, quận 5 nhận hàng từ shipper. Ảnh: CAO THĂNG

Nhà anh Hưng, cũng như nhiều hộ không thuộc thuộc diện “bị giăng dây” đều nhanh chóng nhận được hàng thông qua shipper giao trực tiếp. Còn những khu vực “giăng giây” (không cho shipper giao hàng trực tiếp), dù còn khó khăn nhưng cũng mua hàng thuận lợi hơn lúc shipper chưa được hoạt động. “Ngày hôm nay (31-8) hẻm chúng tôi nhận được khoảng 10 đơn hàng của shipper giao tại “chốt tự quản”. Chúng tôi nhận hàng xong, dùng xe máy chở vào hẻm rồi giao cho dân. Dù chưa thông suốt nhưng cũng giảm áp lực cho tổ Covid-19 cộng đồng, giảm người đi mua hàng trực tiếp ở siêu thị về cho người dân”, bác Nguyễn Thanh Liêm, tình nguyện viên Tổ Covid-19 cộng đồng hẻm 48A đường Cây Trâm (khu phố 8, phường 9, quận Gò Vấp) cho biết. 

Hiện tại, việc đặt mua hàng liên quận, nội quận từ các app vẫn khá “chập chờn”. Chị Lê Kim Mai (ngụ phường Tân Thới Hiệp, quận 12) cho biết, chiều 31-8, chị vào app của Grab để đặt mua hàng trên Grabmart nhưng không thực hiện được với lý do “Rất tiếc, hiện không có hàng nào”, hoặc “Hết rồi… , hay mình thử thu hẹp tìm kiếm xem sao”. Với app đặt hàng AhaMove cũng tương tự. Chị Lê Kim Mai phản ánh: “Tôi đặt nhiều app khác nhau để mua, chuyển hàng nhưng đều không được. Trong hai ngày 30 và 31-8, tôi chẳng đặt được đơn hàng nào”. Thông tin từ đại diện một số nền tảng dịch vụ nêu trên cho hay đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và các tài xế để có thể đáp ứng nhu cầu của người dân, song song với việc tuân thủ quy định phòng chống dịch Covid-19.

-----------------------------

Luôn cập nhật danh sách shipper đủ điều kiện hoạt động


Đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, đang phối hợp với lực lượng liên ngành, doanh nghiệp, đơn vị quản lý shipper để theo dõi việc hoạt động, nhất là khâu giao nhận hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của shipper đến người dân trên địa bàn. 

Hiện Sở Công thương TPHCM cung cấp đường link trên cổng thông tin của sở nhằm hỗ trợ shipper có thể chủ động kiểm tra có thuộc đối tượng được phép hoạt động hay không. 

Dự kiến, thành phố có thể huy động khoảng 25.000 shipper tham gia vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong thời gian thành phố tăng cường giãn cách xã hội. “Chúng tôi đang làm việc với những đơn vị quản lý shipper để yêu cầu cung cấp danh sách shipper đã thực hiện nghiêm các điều kiện về tiêm vaccine Covid-19 và xét nghiệm phục vụ cho hoạt động. Lực lượng liên ngành cũng sẽ tính toán phương án để người dân đăng ký trực tiếp với nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh và giao hàng thông qua shipper”, đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết.

-----------------------------

Shipper hoạt động ở 8 quận, huyện "vùng đỏ" được xét nghiệm 1 ngày/lần


Chiều 31-8, liên quan đến việc thực hiện xét nghiệm cũng như cấp giấy xác nhận xét nghiệm cho đội ngũ shipper, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, sở đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cung cấp test nhanh cho 411 trạm y tế lưu động trên địa bàn thực hiện test cho toàn bộ lực lượng giao hàng công nghệ được phép hoạt động theo danh sách của Sở Công thương.
Đưa hàng đến dân đã bớt áp lực ảnh 4 Shipper đang khai báo y tế theo Bộ Công an. Ảnh: CAO THĂNG
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, đến thời điểm hiện tại, Sở Công thương cập nhật danh sách có 17.449  shipper được phép lưu thông và cần làm xét nghiệm. Shipper hoạt động ở 8 quận, huyện "vùng đỏ" (TP Thủ Đức, quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn) sẽ được xét nghiệm 1 ngày/lần; hoạt động ở các vùng còn lại sẽ được xét nghiệm 2 ngày/lần. Thời gian test từ 5 giờ đến 6 giờ sáng. Đối với những shipper ở "vùng đỏ", khi test nhanh xong, có kết quả âm tính mới được phép hoạt động. Việc xét nghiệm hoàn toàn miễn phí. Khi thực hiện test nhanh xong, có kết quả âm tính thì lực lượng quân y tại các trạm y tế lưu động sẽ cấp giấy chứng nhận cho shipper dùng để di chuyển qua các chốt trạm.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, sau một ngày thực hiện, công tác thực hiện cấp giấy gặp vướng mắc do nhân viên trạm y tế lưu động cấp giấy xác nhận xét nghiệm không có dấu mộc, trong khi kiểm soát các chốt chặn yêu cầu giấy xác nhận có đóng dấu mộc, từ đó gây khó khăn cho việc lưu thông của shipper. “Việc đóng mộc là không cần thiết, chỉ cần có chữ ký của nhân viên trạm y tế lưu động ký xác nhận là được, hoặc sẽ xác nhận kết quả xét nghiệm qua tin nhắn để tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ shipper lưu thông”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai đề xuất.

Tin cùng chuyên mục