Người đăng đàn trả lời đầu tiên là ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM. Ông đang được các đại biểu (ĐB) chất vấn về tình hình xây dựng không phép, sai phép; thủ tục hoàn công nhà ở riêng lẻ hộ gia đình; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở đối với căn hộ chung cư mà chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ liên quan…
ĐB Trần Thanh Trí phản ánh về thủ tục hoàn công cho nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, thủ tục bất cập. Có gia đình, khi xin phép xây dựng thì vẽ cửa nằm phía bên phải, đến khi xây dựng thì người dân đưa cửa sang trái, chỉ khác một chút chi tiết như vậy nhưng khi hoàn công không được. “Sở Xây dựng có giải pháp giải quyết cho các hộ dân như thế nào để hoàn công được?”, ĐB Trần Thanh Trí chất vấn.
Cùng quan tâm đến thủ tục hoàn công đối với nhà ở riêng lẻ, ĐB Thi Thị Tuyết Nhung đề nghị Sở Xây dựng có giải pháp tạo thuận lợi cho người dân. ĐB Thi Thị Tuyết Nhung cũng yêu cầu ông Lê Hòa Bình giải thích vì sao những quận, huyện đang đô thị hóa nhanh lại xảy ra nhiều vụ việc xây dựng sai phép, không phép?
“Đầu tháng 7 vừa qua, tôi có làm việc với Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, sẽ thực hiện liên thông trong cấp phép xây dựng, trong kiểm tra, cấp giấy. Việc này sẽ được khắc phục. Tuy nhiên cũng phải làm rất kỹ lưỡng, nếu không sẽ có tình trạng xin làm nhà ở riêng lẻ, nhưng sau đó lại chia nhỏ ra để bán”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung về vi phạm trật tự xây dựng, ông Lê Hòa Bình cho biết trong các trường hợp vi phạm, có những công trình đủ điều kiện cấp phép nhưng người dân không xin phép. Ông hứa sẽ chú trọng cải cách hành chính để thuận tiện hơn cho người dân khi xin cấp giấy phép xây dựng. Còn 37,6% trường hợp xây dựng trên đất không được phép xây dựng là vi phạm pháp luật, phải xử lý nghiêm.
Ông Võ Văn Hoan cũng chỉ rõ, ở hai nhóm này, đầu nậu, cò đất, môi giới đất đứng ra phân lô, hô hào quảng cáo, tổ chức lực lượng bán mua sôi động…; người dân trở thành nạn nhân, mua đất đai ở những nơi chưa đảm bảo pháp lý.
Theo ông Võ Văn Hoan, những sai phạm của các đầu nậu, cò đất, môi giới là cố ý, cố tình vi phạm, lôi kéo người dân, biến người dân thành nạn nhân. Trong khi đó, hiện nay TP chưa xử lý, chưa nhận diện, chưa có giải pháp xử lý các đối tượng này và chính điều đó tạo ra “điểm nóng” trên địa bàn, người dân bức xúc.
“Phải xử lý nghiêm minh với đầu nậu, cò đất, môi giới đất, không thể để họ tự tung tự tác được. Những trường hợp đầu nậu nếu đầu tư làm ăn gian dối như trên, thì cần thiết cũng phải xử lý hình sự”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan kiên quyết.
Xử lý hình sự chủ đầu tư chung cư làm ăn gian dối
Trong lĩnh vực xây dựng, một vấn đề được nhiều ĐB quan tâm là việc cấp giấy chứng nhận cho các căn hộ ở chung cư mà chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính và các trách nhiệm liên quan.
Trả lời câu hỏi về việc các chủ đầu tư vi phạm khiến người dân không được cấp giấy, ông Lê Hòa Bình cho biết việc này còn tồn tại ở nhiều chung cư, trong đó có trường hợp chủ đầu tư mang thế chấp ngân hàng. “Đây là việc cũng khó, xin khất với đại biểu sau khi có thống kê đầy đủ, phân loại, chúng tôi sẽ có trả lời cụ thể”, ông Lê Hòa Bình nói.
Về tranh chấp quỹ bảo trì 2% làm sao người dân giám sát? Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho rằng phải giám sát từ tổ dân phố, quận huyện phường xã và có kế hoạch kiểm tra. Trong các hội nghị nhà chung cư thì ban quản trị đều phải báo cáo thu chi. “Tới đây Sở Xây dựng ban hành một cuốn sổ tay hướng dẫn, để việc sử dụng 2% đúng mục đích cho bảo trì”, ông Bình cho biết.
Về lâu dài, TPHCM xem xét, chọn lựa các nhà đầu tư cẩn trọng, để các nhà đầu tư khi làm dự án phải đủ lực, có văn hóa trong kinh doanh. Nếu làm ăn gian dối thì TP sẽ không cho tiếp tục triển khai các dự án trong một thời gian. “TPHCM sẽ làm mạnh để nhà đầu tư tuân thủ pháp luật”, ông Võ Văn Hoan khẳng định.
Không phải vì “lo lắng” mà hạn chế quyền của dân
ĐB Đoàn Ngọc Cẩm nêu, hiện nay TPHCM đang khuyến khích nông dân thực hiện các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Do đó, nông dân phải đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng công trình phục vụ chăn nuôi trồng trọt, công trình hỗ trợ. Nhưng việc cho phép xây dựng các công trình này còn khó khăn, bất cập, làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của nông dân. Giải pháp nào tháo gỡ để đáp ứng nhu cầu sản xuất chính đáng của nông dân?
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhìn nhận, chúng ta quá lo lắng khi bà con xây dựng nhà kính trên đất nông nghiệp rồi biến tướng thành nhà ở, thành khu dân cư.
“Lo đó là lo đúng, nhưng không vì lo mà hạn chế quyền của người dân. Phải thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị định của Chính phủ, để cho người dân có điều kiện sử dụng đất có hiệu quả thông qua sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh. Riêng với các trường hợp để biến tướng các công trình này thành nhà ở, biến tướng đất nông nghiệp thành đất dân cư, thì xử lý nghiêm.
Đang chạy thử ứng dụng tra cứu tiến độ dự án bất động sảnTại phiên chất vấn, ông Lê Hòa Bình cho biết Sở Xây dựng đã hoàn thiện ứng dụng tra cứu thông tin, tiến độ dự án bất động sản. Sở đang cho chạy thử sau đó sẽ công khai cho người dân được biết. Việc xây dựng ứng dụng này được UBND TP chỉ đạo hồi đầu tháng 5, nhằm tăng tính công khai minh bạch của thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tìm hiểu thông tin khi thực hiện các giao dịch. |