Cụ thể, năm 2016, khu vực thành thị tiêu dùng bình quân 20kg/người/năm, khu vực nông thôn 10kg/người/năm. Mặt hàng đường không chỉ đơn thuần là chất phụ gia, gia vị mà còn đáp ứng nhiều nhu cầu khác trong đời sống con người. Thế nhưng, sản phẩm này đang được phân phối, bán buôn dưới hình thức bao trắng, không nhãn mác và xuất xứ tràn lan trên thị trường.
KDC sẽ phân phối độc quyền một số sản phẩm đường do TTC sản xuất
Thiếu nguồn cung chất lượng
Đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh, cung - cầu mặt hàng đường, nhiều chuyên gia cho hay, các đơn vị sản xuất kinh doanh mặt hàng đường trong nước thường có xu hướng cung ứng sản phẩm chất lượng ưu tiên cho đối tác, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế biến, do kênh này dễ bán và có điều kiện tổ chức công tác quản lý phân phối.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đòi hỏi đảm bảo chất lượng thành phẩm nên kiểm soát chặt chẽ khâu nguyên liệu đầu vào, cũng như có đủ điều kiện để kiểm tra, kiểm định chất lượng. Còn đối với kênh bán lẻ, mặt hàng đường đến tay người tiêu dùng khó có điều kiện, cơ sở để kiểm tra chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, mặt hàng này thường được phân phối dưới hình thức bao bì không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ và thương hiệu, nhưng lại được bán buôn phổ biến tràn lan trên thị trường, tại các chợ truyền thống, tiệm tạp hóa…
Dự báo của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, tổng nguồn cung đường năm 2017 dự tính đạt 1,7 triệu tấn; trong đó, sản xuất khoảng 1,3 triệu tấn.
Theo bà Trần Quế Trang, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đường Thành Thành Công - Biên Hòa, nhu cầu dinh dưỡng tại Việt Nam đang ngày càng tiệm cận với tiêu chuẩn dinh dưỡng quốc tế, đòi hỏi chất lượng đường cung cấp cho người tiêu dùng phải được đảm bảo và cải thiện. Tuy nhiên trên thực tế, thời gian qua nguồn cung mặt hàng đường luôn trong trạng thái yếu so với nhu cầu nên hầu hết các đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối chủ yếu ưu tiêu đảm bảo số lượng hơn chất lượng.
Cũng vì lý do này nên bên cạnh số lượng đường được sản xuất nội địa, thị trường Việt Nam còn hình thành nên kênh nhập lậu đường, nhập theo phương thức tiểu ngạch để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân và thị trường trong nước. Thực trạng này đã tồn tại suốt nhiều năm qua nên hình thành thói quen của người tiêu dùng là chưa quan tâm đến chất lượng, thông tin, kiến thức về sản phẩm, nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Người tiêu dùng thường có thói quen định nghĩa chung về mặt hàng này là “chỉ cần ngọt và trắng là đủ”.
Ngoài ra, một bộ phận lớn người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn chưa được tiếp cận và phục vụ đầy đủ những sản phẩm đảm bảo chất lượng. Đơn cử, chị Lệ Hằng, cư ngụ tại quận Bình Thạnh (TPHCM), cho biết gia đình thường ít khi mua đường về tiêu dùng vì mỗi lần gọi mua gas thì các đại lý gas thường tặng kèm 0,5 - 1kg đường cát trắng. Mặc dù, vẫn biết sản phẩm được tặng đóng gói sơ sài, bao bì không có thông tin đầy đủ, khó đảm bảo về chất lượng, nhưng do được tặng nên gia đình vẫn sử dụng.
Hợp tác, nâng chất lượng đường
Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mặt hàng đường cũng thừa nhận, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản phẩm đường không đảm bảo chất lượng vẫn tồn tại trên thị trường là do người tiêu dùng chưa được cung cấp thông tin đầy đủ. Mặt hàng đường cũng như những sản phẩm khác cần được quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu, chất lượng, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm… Qua đó, người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm an toàn bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình.
Trong khi đó, hệ thống phân phối của các đơn vị sản xuất kinh doanh uy tín, đảm bảo chất lượng sản phẩm lại chưa đủ tiềm lực, điều kiện tiếp cận người tiêu dùng cả nước.
Ghi nhận trên thị trường, hiện Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công (TTC) là thương hiệu lớn trong lĩnh vực cung ứng và sản xuất mía đường, nhiều năm liền dẫn dắt thị trường với thương hiệu “Đường Biên Hòa”. Có mặt trên thị trường 50 năm qua, với 9 nhà máy đặt tại các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Lào, TTC đạt tổng công suất 46.100 tấn mía/ngày. Tuy nhiên, công ty này cũng chỉ phát triển hơn 200.000 điểm bán ở 63 tỉnh, thành toàn quốc.
Nhằm tìm hướng đi bền vững, đặc biệt là củng cố thị phần và mở rộng mạng lưới phân phối trong bối cảnh hội nhập thị trường thương mại tự do; vừa qua, TTC đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (KDC) về phân phối độc quyền một số dòng sản phẩm đường tinh luyện được sản xuất bởi TTC.
Việc ký kết hợp tác này còn hướng đến mục tiêu nâng tầm thương hiệu nội địa, đẩy mạnh xu hướng “Người Việt dùng hàng Việt”, cũng như tăng năng lực cạnh tranh cho ngành đường nước nhà trước xu hướng hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Đặc biệt, TTC xác định hoạt động tăng cường liên kết với các đối tác uy tín nhằm cộng hưởng, phát huy lợi thế lẫn nhau có ý nghĩa quan trọng.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KDC, cho biết chiến lược sắp tới của KDC hướng đến bếp Việt, cụ thể là gian bếp và tủ lạnh. Theo đó, KDC sẽ cung cấp tất cả sản phẩm đường chất lượng - uy tín - đảm bảo an toàn sức khỏe để các bà nội trợ sử dụng trong gian bếp. Đường Biên Hòa với 22 năm liền được vinh danh “Hàng Việt Nam chất lượng cao” được người tiêu dùng tin tưởng, có mẫu mã phong phú, phù hợp định hướng phát triển của KDC.
Theo số liệu công bố của Nelsien, bình quân mỗi người trưởng thành sẽ tiêu thụ lượng đường trực tiếp 6kg/người/năm; với 70% dân số ở độ tuổi lao động thì tổng nhu cầu tiêu dùng đường trực tiếp tại Việt Nam đạt mức 400.000 - 420.000 tấn/năm. Như vậy, nhu cầu tiêu dùng đường trực tiếp đang rất lớn, đặc biệt tập trung ở khu vực nông thôn. Sự hợp tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam dựa trên những lợi thế riêng của mỗi doanh nghiệp nhằm tương trợ, bổ sung, phát huy lợi thế cạnh tranh là bước đi căn cơ để hội nhập, phát triển vươn lên tầm khu vực và quốc tế.
Cái “bắt tay” chiến lược giữa TTC với KDC đã khẳng định tầm nhìn, nỗ lực của doanh nghiệp Việt không ngừng chủ động tìm kiếm những giải pháp tích cực, giúp rút ngắn khoảng cách giữa ngành đường Việt Nam và các cường quốc mía đường thế giới. Bên cạnh đó, góp phần loại bỏ dần những sản phẩm kém chất lượng trên thị trường, tái cơ cấu thị phần của doanh nghiệp và sản phẩm Việt trong thời gian tới phát triển bền vững hơn.