Ngày 9-12, UBND quận 1 tổ chức lễ ký kết hưởng ứng công tác chuyển đổi số, sử dụng di sản văn hóa trong dạy và học giữa các bảo tàng với trường học trên địa bàn quận. Tham dự lễ ký kết có các đơn vị bảo tàng gồm: Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM.
Học sinh Trường tiểu học Hòa Bình, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trường THCS Võ Trường Toản tham quan Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Trên địa bàn quận 1 hiện có 5 bảo tàng, trong đó có 3 bảo tàng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và thành phố. Trong thời gian qua, các bảo tàng trên địa bàn quận đã thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ để cung cấp thông tin đến các đối tượng một cách tiện lợi, nhanh chóng, phù hợp, hấp dẫn.
Các em nhỏ tìm hiểu hiện vật. Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị di sản văn hóa, mà còn là không gian học tập, mở rộng hiểu biết về lịch sử văn hóa dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên. Đây cũng được xem là đối tượng phục vụ quan trọng nhằm lan tỏa những giá trị di sản văn hóa, giáo dục cho học sinh kiến thức về lịch sử dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, thấm nhuần tư tưởng “dân ta phải biết sử ta” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự phối hợp giữa các bảo tàng với trường học là thật sự cần thiết, giúp cho các bảo tàng phát huy, lan tỏa sâu rộng được các giá trị lưu trữ vào đời sống, góp phần giáo dục thế hệ tương lai tình yêu và lòng tự hào với các di sản văn hóa của đất nước.
Các em học sinh trải nghiệm hướng dẫn tham quan tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM trên màn hình cảm ứng Sau lễ ký kết, UBND quận 1 phối hợp Bảo tàng Lịch sử TPHCM tổ chức cho các em học sinh và giáo viên Trường tiểu học Hòa Bình, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trường THCS Võ Trường Toản tham quan Bảo tàng Lịch sử TPHCM - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đây là một trong những bảo tàng đã thực hiện chương trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ, số hóa hiện vật, cổ vật trưng bày tại bảo tàng nhằm hỗ trợ tốt nhất cho công tác dạy và học, cũng như tìm hiểu, nghiên cứu của nhiều đối tượng khách tham quan.
Từ cuối năm 2021, Bộ VH-TT-DL có văn bản chỉ đạo về tăng cường đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng chương trình phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo trong hoạt động bảo tàng. Theo đó, đề nghị các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng Việt Nam triển khai kế hoạch đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động bảo tàng; xây dựng chương trình phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo địa phương tổ chức các chương trình ngoại khóa… |
THIÊN BÌNH