Trong 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công tác đối ngoại.
Việt Nam đã từng bước khẳng định được vị thế và uy tín trên các diễn đàn khu vực và quốc tế và trở thành thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm trên các diễn đàn quốc tế. Hàng loạt các sự kiện lớn đều ghi dấu ấn đậm nét của Việt Nam.
Những nỗ lực không ngừng đã đưa vị thế quốc tế của Việt Nam lên tầm cao mới thông qua việc nâng tầm đối ngoại đa phương và đảm nhận thành công nhiều trọng trách quốc tế quan trọng. Đến nay, Việt Nam là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã 2 lần làm Chủ tịch ASEAN (năm 2010, 2020); làm Chủ tịch Tổ chức Liên nghị viện ASEAN, Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (năm 2010, 2020).
Đáng chú ý, Việt Nam 2 lần trúng cử với số phiếu ủng hộ rất cao để trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021) và 2 lần là nước chủ nhà APEC (năm 2006 và 2017); đăng cai thành công Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018; tổ chức tốt cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 (năm 2019)…
Trong những thành quả đó, công tác đối ngoại luôn được Đảng, Nhà nước đặt lên là vai trò và nhiệm vụ then chốt, hàng đầu. Trong đó, Đảng ta đã xác định hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ đó có những chủ trương, chỉ đạo đúng đắn cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế, quyết định chuyển từ hội nhập kinh tế quốc tế sang hội nhập toàn diện; có Chỉ thị 32-CT/TW về tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng trong tình hình mới. Ban Bí thư cũng đã có Chỉ thị 04-CT/TW về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân.
Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã thông qua Nghị quyết 06-NQ/TW về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”...
Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song đất nước đang đứng trước những vận hội tươi sáng mới. Do đó, hội nghị lần này đặt ra yêu cầu là thực hiện đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả 3 trụ cột đối ngoại, đó là: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Các hoạt động đối ngoại đó đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và quản lý thống nhất của Nhà nước nhằm tích cực góp phần tạo dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định tranh thủ điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước, nâng cao vị thế Việt Nam.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại không chỉ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội mà còn là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam ở cả trong và ngoài nước, thể hiện cụ thể trong từng hoạt động, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, quốc phòng, an ninh của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Qua đó, để thế giới hiểu thêm về đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam; về đất nước, con người Việt Nam; và ủng hộ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc để Việt Nam sánh vai với các cường quốc 5 châu.