Ven biển TP Đà Nẵng nhìn từ Bán đảo Sơn Trà. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Nhiều thuận lợi
Kinh tế biển là động lực quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và quốc gia, giúp khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động, tăng thu nhập, bảo đảm quốc phòng - an ninh và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển. Thành phố có 6/8 quận, huyện tiếp giáp với biển với hơn 92km bờ biển, 80% dân số đang sinh sống tại các quận, huyện ven biển.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thông tin. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Xác định vị trí và tầm quan trọng của kinh tế biển, thời gian qua, TP Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách để phát triển kinh tế biển để phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Địa phương cũng đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học để bàn về phát triển kinh tế biển. Các hội thảo này bước đầu làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế biển.
Việc phát triển kinh tế còn xung đột về lợi ích giữa kinh tế - xã hội và môi trường. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển hiện còn nhiều vấn đề đặt ra như xung đột về lợi ích giữa kinh tế - xã hội và môi trường, giữa việc khai thác sử dụng tài nguyên và cạn kiệt nguồn tài nguyên, giữa các ngành, giữa các địa phương với phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và sự đa dạng sinh học, việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định…
Ông Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, kết quả đánh giá sơ bộ về phát triển bền vững các ngành kinh tế biển cấp tỉnh cho thấy, chỉ số của Đà Nẵng đạt 96,6%. Đà Nẵng là địa phương đã có bộ tiêu chí đánh giá các ngành kinh tế biển. Đây là lợi thế rất lớn để định hình và đánh giá sự phát triển qua từng năm, giai đoạn từ đó tận dụng những lợi thế, giải quyết những điểm nghẽn, khai phá và phát triển bền vững.
Phát triển trụ cột kinh tế biển trên hành lang pháp lý ổn định
Theo PGS.TS. Trần Thị Lan Hương, Trưởng ban Quản lý khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đà Nẵng là địa phương trọng điểm đối với các địa phương thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Không chỉ phát triển về du lịch biển, Đà Nẵng có thế mạnh phát triển về hệ thống cảng biển, logistic, hệ thống khu đô thị, công nghiệp ven biển, khai thác chế biển thủy sản…
Tuy nhiên, địa phương cần cụ thể hóa từng vấn đề như phát triển du lịch biển thì cần phải có sự kết nối với các tỉnh, thành có biển và quốc tế; các vùng biển xa khác như Côn Đảo, Phú Quốc; hậu cần logistics… Dù phát triển theo mô hình, khía cạnh nào, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển cần đặt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố.
Đà Nẵng là địa phương đang phát triển về du lịch biển. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Trong khi đó, theo ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH-CN Đà Nẵng, để kinh tế biển phát triển bền vững cần đáp ứng 3 tiêu chí, trụ cột gồm: kinh tế của các địa phương phải tăng trưởng; bảo vệ được tài nguyên môi trường, sự đa dạng sinh học; hướng đến sự nhận thức và thụ hưởng của con người. Tuy nhiên, các trụ cột trên cần phải đảm bảo trong khuôn khổ hành lang pháp lý là chính sách ổn định.
Đề cập về khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế biển, ông Viên cho rằng, cần đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; tăng cường nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách, pháp luật về phát triển bền vững kinh tế biển.
Tiếp tục tuyên truyền bảo đảm sự thông suốt về nhận thức vai trò, vị trí của kinh tế biển cũng như vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của kinh tế biển; xây dựng chính sách thu hút và cộng tác với các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài.
Xây dựng chính sách thu hút và cộng tác với các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước |
Bên cạnh đó, đổi mới cơ chế quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ biển; công bố rộng rãi các kết quả điều tra, nghiên cứu để khẳng định với bạn bè quốc tế về chủ quyền các vùng biển của Việt Nam; tăng cường sự phối hợp và liên kết giữa các tỉnh, thành phố của cả nước trong các hoạt động phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ cho phát triển bền vững kinh tế biển của vùng.