Đại hội vinh dự đón thư và lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và thư chúc mừng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Theo GS-TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, về dự đại hội có 294 đại biểu, gồm 84 gia đình học tập tiêu biểu đại diện cho hơn 16.635.366 gia đình; 71 dòng họ học tập tiêu biểu đại diện cho 84.785 dòng họ; 72 cộng đồng học tập tiêu biểu đại diện cho 89.048 cộng đồng và 67 đơn vị học tập tiêu biểu đại diện cho 48.641 đơn vị học tập được bầu chọn từ cơ sở với đủ các thành phần cư dân nông thôn và thành thị, với mọi ngành nghề, lĩnh vực công tác, các vùng miền, các dân tộc, lứa tuổi khác nhau trong cả nước.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho hay, 7 năm qua, gồm 2 năm thí điểm và 5 năm triển khai đại trà Đề án đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đề án đã có những kết quả tích cực. Sự kết hợp chặt chẽ giữa hội với các bộ ban ngành; sự đồng thuận và tham gia tích cực của các gia đình, dòng họ, cộng đồng và các đơn vị học tập cấp xã, với sự ủng hộ của các doanh nghiệp, phong trào học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đã có sự lan tỏa lớn, các giá trị cốt lõi của sự học đã được phát huy.
Tại đại hội, Hội Khuyến học đã phát động phong trào thi đua nhằm tiếp tục thực hiện Kết luận 49 năm 2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thông qua Quyết định 489 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội Khuyến học chủ trì và tiếp tục thực hiện Đề án 281 và thực hiện mô hình công dân học tập giai đoạn 2021-2030.
Nhân đại hội, ngày 1-12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2016-2020 của Hội Khuyến học Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá, trong những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, phát triển, lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng dân cư. Sự học trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị đã trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, không thể thiếu của mọi người dân, thấm sâu vào từng gia đình, dòng họ, chi tộc và các tổ chức, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân. Thành tích mà các đại biểu đem đến đại hội vừa là sự nỗ lực vượt bậc của các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, vừa thực hiện tư tưởng, tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự học, về học tập suốt đời, đó là "học không bao giờ cùng".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, hiện nay, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức, khó khăn nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… Bên cạnh đó, chúng ta vẫn phải tiếp tục tập trung nguồn lực để đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong bối cảnh đó, phong trào xây dựng các mô hình học tập do các cấp Hội Khuyến học và toàn thể hội viên bền bỉ phấn đấu, thực hiện sẽ góp phần không nhỏ vào sự nghiệp trồng người và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trở thành phong trào thường xuyên, phát triển sâu rộng, không thể thiếu của tất cả chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.
Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng xã hội học tập suốt đời là mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong bối cảnh phát triển mới, với sự tác động mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi từng nhà, từng người và xã hội phải không ngừng học tập để đáp ứng yêu cầu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”. Với truyền thống hiếu học lâu đời của dân tộc ta, học tập suốt đời đang dần trở thành một nhu cầu thiết yếu của nhiều người dân. Vì vậy, mọi nỗ lực xây dựng xã hội học tập luôn cần được ghi nhận, đánh giá cao và ủng hộ.
Thủ tướng tin tưởng, nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập nói chung, các mô hình học tập nói riêng sẽ không ngừng được đẩy mạnh, nhân rộng, tiếp tục đóng góp thiết thực vào phát triển bền vững đất nước, xây dựng nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.