Tại buổi lễ, Giáo sư Paul Kim, Giám đốc phụ trách Công nghệ, Văn phòng Đổi mới và Công nghệ, Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dục sau ĐH, ĐH Stanford cho biết: “Những công nghệ giáo dục tiên tiến nhất của ĐH Stanford hiện đang phục vụ cho mục đích phát triển trí tuệ, nâng cao khả năng sáng tạo, thực hành khoa học. Từ đó, người học biết giải quyết những vấn đề hiện thực của cuộc sống, luôn quan tâm đến cộng đồng. Đại học Stanford mong muốn chia sẻ những lợi ích của SMILE đối với thế hệ trẻ Việt Nam; đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị để ứng dụng công nghệ mới này nhằm thúc đẩy học tập trọn đời, tinh thần khởi nghiệp, phát minh sáng chế vào phục vụ cộng đồng".
Nền tảng công nghệ SMILE – một môi trường “Học tập gợi mở trên di động” - là kết quả sau nhiều năm nghiên cứu của Trường Giáo dục sau đại học thuộc ĐH Stanford. Mô hình này có khả năng biến một lớp học thành một môi trường học tập công nghệ cao với chi phí hợp lý. Sau khi được triển khai trong lớp học, SMILE giúp học sinh tiếp thu các môn học và phát triển các kỹ năng học tập cấp độ cao, đồng thời còn giúp giáo viên và các cấp quản lý có cái nhìn phân tích tổng quan rõ ràng theo thời gian thực.
Mục tiêu của SMILE là phát triển kỹ năng đặt câu hỏi của học sinh, đẩy mạnh các hoạt động xoay quanh học sinh và các bài tập trong lớp học, mang lại một môi trường học tập công nghệ cao với chi phí thấp. Do vậy, chức năng cơ bản và mang tính nền tảng nhất của chương trình SMILE là tính năng cho phép học sinh đặt các câu hỏi với nhiều thông tin hình ảnh cũng như chia sẻ, phân tích các câu hỏi này. Phần mềm quản lý dữ liệu sẽ thu thập các câu trả lời và thời gian trả lời của học sinh, rồi lưu lại dữ liệu này để giáo viên phân tích. Giáo viên cũng có thể đặt câu hỏi để kiểm tra thông tin đưa tới học sinh. Phần mềm còn được dùng trong các hoạt động nhóm và các cuộc thi. Nhờ đó, giáo viên có thể sử dụng để khuyến khích môi trường học tập hợp tác theo nhóm hoặc mang tính cạnh tranh, tùy vào việc học sinh lựa chọn phương pháp phù hợp.
Mục tiêu cốt lõi của SMILE là khuyến khích người học đặt ra những câu hỏi quan trọng và SMILE làm điều này bằng cách áp dụng công nghệ tiên tiến nhất. Lấy ví dụ, việc trao đổi thông tin qua điện thoại di động đã là một hoạt động quen thuộc của phần lớn người dạy và học. Trong một vài trường hợp, nhắn tin là phương pháp giao tiếp ưa chuộng, đặc biệt là khi cuộc nói chuyện cần được riêng tư, ngắn gọn. Do đó, việc chuyển đổi và áp dụng hình thức sử dụng điện thoại di động, laptop vào lớp học (hoặc trong môi trường kiểm tra đánh giá) là một bước chuyển hợp lý. Hầu như không hề có khó khăn trong việc chuyển đổi này.
Bên cạnh việc sử dụng dễ dàng, SMILE còn có những lợi ích về mặt nhận thức cũng như phi nhận thức rõ ràng cho việc học tập. Ví dụ, việc phải tập trung nghĩ và viết ra câu hỏi một cách súc tích nhất để gửi cho bạn khác đọc, đánh giá, phản hồi buộc người tham gia phải tư duy phản biện, sáng tạo, thấu hiểu. Ngoài ra, tính tự động và sự tự do của SMILE cho phép ngay cả những học sinh nhút nhát nhất cũng có thể mạnh dạn “lên tiếng” chia sẻ cảm nghĩ với các bạn.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cũng nhấn mạnh, trong thời gian qua, ngành GD-ĐT TPHCM luôn tiên phong đổi mới, tiếp cận giáo dục tiên tiến của thế giới. Ngoài được trang bị khả năng tin học, ngoại ngữ, gắn kiến thức đã học với thực hành, nghiên cứu khoa học, trải nghiệm sáng tạo, học sinh TPHCM đã có nhiều cơ hội phát huy tư duy, năng lực, sở trường.
Là đối tác của Trường Giáo dục sau đại học, ĐH Stanford để đưa công nghệ SMILE đến với học sinh, sinh viên của TPHCM và cả nước, bà Nguyễn Phương Lan, Giám đốc điều hành EMG Education tin tưởng: “Nền tảng này sẽ giúp các bạn trẻ tiếp cận các ứng dụng công nghệ cao liên quan đến giáo dục của ĐH Stanford nhằm góp phần hiện thực hóa các mục tiêu giáo dục căn bản, chẳng hạn như định hướng giáo dục STEM, nhắm đến mục tiêu phát triển khả năng tư duy cấp độ cao”.
Sự hợp tác nói trên này sẽ mở ra một cơ hội rất lớn cho các bên trong nỗ lực đổi mới giáo dục - đào tạo có ứng dụng công nghệ cao cũng như hỗ trợ một cách thiết thực các hoạt động thực hành sáng tạo tại các trường phổ thông trên địa bàn TPHCM.