Dạy chiêng cho học sinh
Để văn hóa cồng chiêng có người kế tục, nhiều trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã mời các nghệ nhân đến dạy đánh cồng chiêng cho học sinh. Tháng 9-2022, Trường THCS Bán trú dân tộc thiểu số Tu Mơ Rông (xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) mời nghệ nhân A Khênh (77 tuổi, thôn Tu Mơ Rông, xã Đắk Hà) đến dạy cho 12 em học sinh.
Sau 4 tháng miệt mài, trái ngọt mang lại là các em đã biết đánh cồng chiêng. Có mặt tại trường, chúng tôi thấy già A Khênh đang cặm cụi hướng dẫn các em. Già A Khênh hướng dẫn đến đâu, các em đánh thành thục đến đó. Tiếng chiêng ngân vang khắp núi rừng. Kết thúc bài chiêng, khán giả rộn rã vỗ tay tán thưởng thầy, trò.
“Dù bận công việc nương rẫy, nhưng già vẫn nhận lời dạy đánh cồng chiêng vì thấy trong làng người biết đánh cồng chiêng rất ít. Sợ lớp già khuất núi thì sau này không có ai kế tục, giữ gìn nét văn hóa của cha ông. Già sẽ tiếp tục dạy đánh cồng chiêng cho học sinh để sau này có người lưu truyền”, già A Khênh tâm sự.
Thầy giáo Trần Mạnh Thùy, Hiệu trưởng THCS Bán trú dân tộc thiểu số Tu Mơ Rông, cho biết, trường rất quan tâm đến lưu giữ nét văn hóa cồng chiêng của người Xơ Đăng trên địa bàn. Đó là lý do vì sao trường mời nghệ nhân giỏi nhất để dạy đánh chiêng cho học sinh. Sắp tới, trường sẽ tiếp tục mở thêm các lớp khác. Ngoài ra, sau khi 12 em học đánh cồng chiêng thành thạo, trường sẽ nhờ các em dạy chiêng cho các bạn học sinh khác. Như vậy, sẽ có nhiều học sinh Xơ Đăng biết đánh chiêng, văn hóa cồng chiêng sẽ được lưu truyền.
Ngược về tỉnh Đắk Lắk, những năm qua, Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cũng tổ chức nhiều lớp học nhạc cụ dân tộc truyền thống, thu hút học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Đặc biệt, với sự tham gia giảng dạy của NSƯT Vũ Lân, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Tây Nguyên, đã thắp lửa đam mê cho nhiều học sinh của trường.
Thầy Bùi Xuân Lễ, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, cho biết, trường có 65% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, nhà trường đã phối hợp Sở VH-TT-DL tỉnh tổ chức nhiều lớp dạy cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc.
“Qua các lớp học, hiện nhiều học sinh chơi được cồng chiêng và các nhạc cụ dân tộc khác. Nhà trường đã thành lập câu lạc bộ với đội chiêng chuyên nghiệp có thể tham dự biểu diễn ở các lễ hội, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của các dân tộc và thắp lửa đam mê cho giới trẻ”, thầy Lễ đánh giá.
Sẽ tiếp tục nhân rộng
Ông Nguyễn Minh Trí, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, cho biết, đã phối hợp trung tâm VH-TT-DL huyện mở 2 lớp học cồng chiêng cho 40 em tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú-THCS Đắk Tờ Lung và Trường Phổ thông dân tộc bán trú-THCS Đắk Kôi. Các lớp này hoàn thành và các em đã chơi được những bài chiêng hay.
“Sắp tới, đơn vị sẽ tiếp tục nhân rộng lớp học đánh cồng chiêng tại các trường bán trú còn lại. Phòng cũng sẽ mời các nghệ nhân giỏi nhất tham gia dạy. Vấn đề khó khăn là một số trường chưa có các bộ chiêng nên phải đi mượn, mong các cấp ngành huy động cồng chiêng để các em có nhạc cụ học”, ông Trí nói.
Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), trên địa bàn huyện, người Xơ Đăng chiếm tỷ lệ khoảng 95%. Trước nỗi lo nét văn hóa độc đáo của cư dân Xơ Đăng bị mai một, không có người kế tục, huyện đã tạo cơ chế khuyến khích các trường tổ chức dạy cồng chiêng cho học sinh. Thực tế là một số trường triển khai có hiệu quả khi các em học bằng sự đam mê. Chứng kiến thành quả này, thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích các trường mở lớp để duy trì văn hóa cồng chiêng trong đồng bào Xơ Đăng. Riêng địa phương sẽ hỗ trợ cho mượn chiêng để các trường có chiêng dạy học sinh.
Còn ông Đỗ Tường Hiệp, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, cho biết, chương trình dạy cồng chiêng nằm trong chương trình giáo dục địa phương mới và đã được áp dụng tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giáo dục cho học sinh về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đối với văn hóa truyền thống dân tộc bản địa. Đây là chương trình gắn liền lý thuyết với thực tiễn rất bổ ích cho học sinh các cấp.
“Trên địa bàn tỉnh, Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng đã thực hiện rất tốt chương trình này và hiện nay đã có được đội chiêng chuyên nghiệp. Chúng tôi đang khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để các trường trên địa bàn nâng cao chất lượng dạy học, tổ chức các câu lạc bộ, các chương trình ngoại khóa để giáo dục văn hóa truyền thống dân tộc”, ông Hiệp nhấn mạnh.
NSƯT Vũ Lân cho biết, cồng chiêng là nhạc cụ dân tộc đã gắn liền với đời sống văn hóa của bà con dân tộc Tây Nguyên hàng ngàn năm qua. Với bản sắc văn hóa ngàn đời, bà con Tây Nguyên không bao giờ buông bỏ, nhưng vì thiếu điều kiện để tiếp cận nên hạn chế niềm đam mê của giới trẻ. Chính vì vậy, cần góp sức truyền lửa đam mê cho giới trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh, để các em cảm nhận và hiểu hơn về văn hóa của dân tộc mình qua những nhạc cụ dân tộc; mong muốn các em tiếp cận để có ý thức bảo tồn và phát huy tốt giá trị văn hóa của dân tộc mình hơn.