
Thủ tướng Vương quốc Campuchia Xam Đech Hun Sen vừa trao cho Thiếu tướng Phùng Đình Ấm (tức Ba Cung) Huân chương Tự do - huân chương cao quý nhất của đất nước chùa Tháp, nhằm tri ân công lao của ông trong 3 lần sát cánh với nhân dân Campuchia chống Pháp, Mỹ và bè lũ Pôn Pốt. PV Báo SGGP ghi lại những kỷ niệm của ông Ba Cung trên đất nước chùa Tháp.

Thủ tướng Vương quốc Campuchia Xam Đech Hun Sen trao tặng Huân chương Tự do cho Thiếu tướng Phùng Đình Ấm
Bộ đội Ít-xa-rắc
Đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, khi được phân công đi Đông Bắc Campuchia, tôi rất háo hức nhưng phải giấu vì sợ mẹ lo lắng. Nhưng rồi mẹ cũng biết và đến tận nơi đóng quân để thăm, tiễn tôi lên đường.
Vượt Trường Sơn sang Hạ Lào, đơn vị của tôi xuôi thuyền độc mộc qua sông Sê Kông đến Stung Treng (là tỉnh của Campuchia nhưng đa số dân đều là người Lào). Ở đây, người Khmer, người Lào đối xử với bộ đội Việt Nam rất tốt. Họ còn mang cơm và mắm bò hóc chiêu đãi bộ đội Ít-xa-rắc (Phong trào Tự do kháng chiến chống Pháp). Bà con nói: “Tụi con là người Việt Nam, đã sang đây đánh đuổi Pha Lăng (giặc Pháp), đều là bộ đội Ít-xa-rắc cả thôi”.
Tại làng Xê Mo, tôi tá túc trong nhà một nông dân nghèo tên Tà Phưn. Ông bà Tà Phưn có một cô con gái tên là Văn Ni khi ấy 15 tuổi. Để thuận lợi cho công tác, tôi nhờ Văn Ni dạy học tiếng Lào nên hai anh em mến nhau như ruột thịt. Một hôm, tôi đi công tác về thì đã thấy trên sàn nhà có một cỗ tháp ghép bằng bẹ và lá chuối; một đĩa đựng đầy gạo, trứng gà luộc, cam, chuối và một chùm chỉ trắng. Vợ chồng Tà Phưn nắm tay tôi kéo lại, đốt 7 ngọn nến, vái: “Cầu trời phật, cầu thần Tê-vê-đa phù hộ cho đứa con Việt Nam bình yên trước hòn đạn, cho nó được khỏe mạnh, giết được nhiều Pha Lăng”.
Hai ông bà Tà Phưn lần lượt cột chỉ tay cho tôi, nói: “Kể từ nay, con là người Campuchia. Mẹ đặt tên con là Khăm Tằn. Có nghĩa là nén vàng”. Tôi chắp tay xá mẹ nuôi, sung sướng vì mình đã là đứa con của đất nước chùa Tháp. Sau này, gia đình Tà Phưn và căn cứ Xê Mo là chỗ dựa cho tôi trong những ngày ác liệt nhất trên chiến trường.
Giúp bạn là tự giúp mình
Năm 1970, khi là chính ủy tiền phương Quân khu 10, tôi nhận lệnh về quân khu để đi Đông Bắc Campuchia giúp bạn. Đồng chí Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam (B2) Hoàng Văn Thái hỏi tôi giỏi tiếng Lào hay tiếng Campuchia, tôi thưa rành tiếng Lào hơn và còn biết thêm tiếng M’Nông. Suy nghĩ một lát, đồng chí Thái nói giao cho tôi giúp bạn làm nhiệm vụ quân quản sau giải phóng ở tỉnh Môn-đun-ki-ri.
Trên đất bạn, cũng nhờ biết tiếng M’Nông, tôi được đồng bào cho cơm lam, thịt nướng và cử voi chở, dẫn đường cũng như giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình. Qua 2 năm giúp bạn xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng, đến năm 1972, tình hình Môn-đun-ki-ri tạm ổn, tôi được cấp trên điều động về Cục Chính trị Quân Giải phóng miền Nam (B2). Vậy là tôi phải chia tay đất nước Chùa Tháp và gửi lại cho cơ quan hai đứa con trai trên đất bạn. Tôi buộc phải nói dối: “Ba đi công tác lâu lắm mới về”. Nghe vậy, cháu Dũng ngây thơ bảo: “Ba đi rồi nhớ “về voi” với con nha ba”. Nghe cháu nói, tôi rớt nước mắt vì lần nào đi công tác xa về cũng đều được đồng bào cho voi chở tôi về tận cơ quan. Nhưng lần này, chuyện “về voi” sẽ không biết đến khi nào...
Sau khi tàn sát khoảng 3 triệu người Khmer vô tội và sát hại dã man hàng ngàn đồng bào Việt Nam ta, bè lũ Pôn Pốt bị Quân đội Nhân dân Việt Nam kháng cự ở Tây Ninh, đập tan cuộc xâm lược của chúng, rồi chuyển thành cuộc phản công chiến lược giúp giải phóng đất nước chùa Tháp khỏi họa diệt chủng. Thủ đô Phnôm Pênh vừa giải phóng xong, tôi được Quân khu 7 điều động về làm Trưởng phòng K tiếp tục giúp bạn.
Chúng tôi nhịn bớt khẩu phần ăn, san sẻ thuốc để cứu những người sắp chết đói, bệnh tật từ “công xã” trở về quê cũ. Các đơn vị của Quân khu 7 chia nhau ra giúp dân Campuchia chỉnh lại nhà, cất trường học, tu bổ chùa chiền… Nhiều anh em trong đơn vị tôi còn về Việt Nam mang hạt giống, con giống sang để phân phát cho nhân dân bản địa. Riêng quân khu chở ngay 600 tấn lương thực và hàng trăm tấn lúa giống sang hỗ trợ bạn kịp vào vụ mùa 1979-1980.
Đến năm 1981, tôi lúc đó với cương vị Phó Tư lệnh Mặt trận 779 phụ trách chuyên gia bắt đầu giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang, hình thành các đội du kích xã, ấp; phát động quần chúng đánh bại âm mưu “chính quyền hai mặt” của tàn quân Pôn Pốt. Rồi khi quân tình nguyện ta rút về nước, tôi còn ở lại hỗ trợ bạn trong vai trò tham tán đến 1991 mới về lại quê hương.
Hôm nay, dù đang trên giường bệnh nhưng tôi vẫn rất hạnh phúc khi nhắc nhớ những kỷ niệm, khoảng thời gian mà tôi được làm đứa con Việt trên đất Chùa Tháp.
DƯƠNG MINH ANH (ghi)