Chợ tết cho công nhân
Tại TPHCM, theo thường lệ nhiều năm qua, các doanh nghiệp thực hiện bán hàng lưu động nhằm mang hàng hóa đến phục vụ người lao động làm việc tại các KCN-KCX mua sắm. Với điều kiện về giờ giấc làm việc không có nhiều thời gian đi mua sắm; thêm vào đó, lương và thưởng nhận trễ nên việc sắm tết của người lao động khá muộn.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, bên cạnh việc chuẩn bị nguồn hàng cung ứng từ nay đến Tết Kỷ Hợi 2019 để phục vụ nhu cầu mua sắm cho người dân, Sở Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường thực hiện bán hàng lưu động từ nay đến cận tết, bình quân 130 chuyến hàng lưu động/tháng; tăng cường bán hàng tết tại các quận ven, huyện ngoại thành, KCX-KCN, khu lưu trú công nhân, các công ty, xí nghiệp đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện để phục vụ người lao động thu nhập thấp, không có điều kiện về quê đón tết... Đặc biệt, đơn vị này còn vận động các hệ thống tổ chức, phân phối cung ứng giỏ quà tết có giá bán thấp nhất, 99.000 - 1.500.000 đồng/phần để phục vụ công nhân mua về quê làm quà tết.
Là đơn vị luôn đi đầu bán hàng lưu động, dịp Tết Kỷ Hợi năm nay, hệ thống siêu thị Co.opmart cũng tổ chức khoảng 300 chuyến bán hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa và phục vụ nhu cầu mua sắm tết của đông đảo công nhân ở các KCX-KCN tại TPHCM và nhiều địa phương có Co.opmart trú đóng. Những chuyến xe này mang theo chủ yếu các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm chế biến, quần áo may sẵn… của các doanh nghiệp trong nước sản xuất với giá cả hợp lý.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất cũng tham gia các hoạt động đưa hàng đến tay người tiêu dùng. Với tiềm lực sẵn có về nguồn hàng thực phẩm chế biến, ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho hay tết năm nay Vissan thực hiện 200 chuyến xe hàng lưu động đưa các sản phẩm chả giò, chà bông, xúc xích, lạp xưởng… đến với công nhân lao động tại các huyện ngoại thành TPHCM.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, để công tác bán hàng lưu động được thực hiện thông suốt, Sở Công thương TPHCM sẽ hỗ trợ, ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường mở rộng mạng lưới phân phối đến khu vực đông dân cư, KCX-KCN, các quận ven, huyện ngoại thành nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng hóa cho các đối tượng khó khăn, đối tượng có thu nhập trung bình, thấp. Bên cạnh đó, đơn vị này còn phối hợp với Sở NN-PTNT TPHCM và các tỉnh, thành lân cận tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối hàng hóa liên kết với các vùng nguyên liệu, tổ chức tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán.
Đem hàng Việt đến vùng biên giới
Ngoài TPHCM, tại các địa phương khác như Sóc Trăng, Long An, Hậu Giang, Đồng Tháp… vào những ngày cận tết này cũng có nhiều chuyến xe bán hàng lưu động được các nhà phân phối và doanh nghiệp thực hiện để đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng ở những khu vực không thuận tiện về thương mại.
Là tỉnh có đường biên giới và nhiều khu vực nông thôn còn khó khăn nên Long An luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu, bình ổn giá và đưa hàng Việt về nông thôn. Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, cho hay những doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện bán hàng lưu động về nông thôn chủ yếu là doanh nghiệp bán lẻ như Co.opmart và doanh nghiệp sản xuất hàng lương thực, may mặc… Qua nhiều năm liên tục thực hiện, việc tổ chức bán hàng lưu động không chỉ giúp người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa chất lượng tốt với giá cả hợp lý mà còn giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối và quảng bá thương hiệu tốt hơn.
Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, cho biết, sở đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh phối hợp và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn trong dịp tết này phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Theo đó, hai siêu thị gồm Co.opmart chi nhánh Sóc Trăng và siêu thị Ánh Quang tổ chức 3 chuyến hàng Việt lưu động về các xã: Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu), Thạnh Thới An (huyện Trần Đề), Hồ Đắc Kiện (huyện Châu Thành) trong khuôn khổ Tết Quân Dân 2019.
Tương tự, ở tỉnh Hậu Giang năm nay có hai doanh nghiệp tham gia bán hàng lưu động với 31 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn. Đó là Công ty TNHH MTV Thương mại Sài Gòn Hậu Giang (siêu thị Co.opmart Vị Thanh) và Công ty TNHH MTV Co.opmart Ngã Bảy Hậu Giang (Co.opmart Ngã Bảy). Các mặt hàng hai doanh nghiệp phân phối đều là hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đảm bảo về chất lượng với giá cả hợp lý.
Có thể nói, với những người dân vùng sâu và công nhân lao động được tiếp cận hàng hóa thiết yếu với giá cả hợp lý là một trong những niềm vui. Các chuyến hàng lưu động không chỉ giúp mọi người có thể sắm một cái tết an toàn, tiết kiệm mà còn thể hiện sự sẻ chia.