Sau các vở diễn mang âm hưởng dân gian như Tấm Cám, Huyền thoại Gò Rồng Ấp, Thị Nở - Chí Phèo thì Cây tre trăm đốt cũng tiếp tục được dàn dựng theo phong cách này.
Cây tre trăm đốt được tác giả Lê Thế Song khai thác để đi đúng yêu cầu của sân khấu Lệ Ngọc. Kịch lồng ghép những nét độc đáo của văn hóa Việt Nam như lũy tre làng, cây tre, trò chơi dân gian, qua đó nêu được vấn đề lớn: cần giữ màu xanh cho làng xã, cao hơn là cho đất nước.
Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái cho biết, vở diễn đã đụng đến một biểu tượng của người Việt Nam - cây tre. Điểm nhấn của vở diễn không chỉ ở nội dung mà còn chú trọng ở tạo hình với một sân khấu màu xanh đặc trưng của giới trẻ Việt Nam. Chính trên sân khấu xanh đó, các diễn viên sẽ sống cùng vai diễn, với sự tích về anh nông dân nghèo muốn lấy được con gái của lão địa chủ phải tìm được cây tre trăm đốt trong rừng.
Không đơn thuần là diễn lại tích truyện, vở kịch Cây tre trăm đốt là câu chuyện được phóng tác dựa trên tinh thần ca ngợi cái thiện, tình yêu đôi lứa và sau khi dàn dựng, vở sẽ lưu diễn tại TPHCM.