Đưa cải lương tuồng cổ vào trường học

Tuần qua, nhiều trường THPT trên địa bàn TPHCM đưa các trích đoạn cải lương tuồng cổ vào tiết học môn Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp cho học sinh khối 10. Đây là một trong những hoạt động nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) chia sẻ cảm xúc khi được khoác trang phục biểu diễn cải lương tuồng cổ
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) chia sẻ cảm xúc khi được khoác trang phục biểu diễn cải lương tuồng cổ

Học sinh “thử sức” làm nghệ sĩ

Trong tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần qua, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) phối hợp Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long tổ chức chương trình “Du xuân học đường”, tái hiện các trích đoạn cải lương tuồng cổ ở sân trường cho học sinh xem. Điểm nổi bật của hoạt động sân khấu hóa lần này là học sinh không chỉ thụ động ngồi xem các trích đoạn biểu diễn mà còn trực tiếp hóa thân, thể hiện cử chỉ, điệu bộ của các nhân vật lịch sử như Lưu Kim Đính, Tây Thi, Phạm Lãi… Trương Tuấn Bảo, học sinh lớp 12D5, Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết: “Trước đây, em chỉ xem cải lương qua tivi. Đây là lần đầu tiên em được tận mắt thấy nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, ngoài ra còn được mặc thử trang phục biểu diễn với nhiều phụ kiện đặc trưng của bộ môn nghệ thuật này”. Nam sinh này bày tỏ, khi khoác lên mình trang phục biểu diễn, em mới hiểu được khó khăn của người nghệ sĩ vì trang phục có rất nhiều lớp, chất liệu vải bóng, khó thoát mồ hôi, dây đai quấn ngang eo khiến nghệ sĩ khó lấy hơi khi lên giọng những đoạn có âm vực cao. Trần Hoàng Vy, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Lê Quý Đôn, cho rằng, để mang đến các trích đoạn cải lương chạm đến cảm xúc của người xem, nghệ sĩ phải giữ được thần thái oai phong, chăm chút từ trang phục đến điệu bộ, cử chỉ, vũ đạo, cách nhả chữ trong từng câu hát.

Trước đó, tại sân trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), trích đoạn cải lương kinh điển “Khói lửa biên thùy” được tái hiện trên sân khấu đã đem đến nhiều cảm xúc mới lạ cho học sinh. Mai Hồng Thúy, học sinh lớp 10TH2, Trường THPT Gia Định, chia sẻ, sau khi xem xong các trích đoạn cải lương, em đã có cái nhìn khác về cải lương tuồng cổ. Từ việc cảm thấy hứng thú, em sẽ tiếp tục tìm hiểu và giới thiệu với bạn bè về ý nghĩa của bộ môn nghệ thuật này. Riêng với Hồ Tấn Phong, học sinh lớp 10CL, Trường THPT Gia Định, việc khoác lên mình trang phục tướng quân giúp em phần nào cảm nhận được khí chất anh hùng và ý nghĩa của các chiến công lịch sử mà các thế hệ cha ông đi trước đã giành được để gìn giữ độc lập, tự do cho đất nước.

Theo nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh, thành viên Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, việc đem các trích đoạn cải lương tuồng cổ đến gần hơn với học sinh không chỉ giúp các em hiểu rõ hơn bộ môn nghệ thuật này mà qua đó còn tái hiện những trang sử hào hùng của dân tộc, giáo dục học sinh lòng yêu nước, tinh thần xả thân vì Tổ quốc ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Đây là một trong những hình thức đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp bộ môn Lịch sử trở nên gần gũi, dễ nhớ hơn với học sinh.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Thầy Trương Minh Đức, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết, trước đây cải lương tuồng cổ được đưa vào giới thiệu trong trường học như một hoạt động ngoại khóa. Đây là lần đầu tiên hoạt động này trở thành nội dung môn học Giáo dục địa phương và Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp ở lớp 10 khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Sau khi trực tiếp xem các trích đoạn biểu diễn ở sân trường, học sinh sẽ chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận trên lớp, từ đó giáo viên tiếp tục khơi gợi, định hướng các em tìm hiểu những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có ý nghĩa của các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Những suy nghĩ, cảm nhận hay của học sinh sẽ được giáo viên bộ môn ghi nhận lại và cho điểm thưởng để động viên, giúp các em có thêm hứng thú tìm hiểu nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, đáp ứng mục tiêu của các môn học mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Ở góc độ khác, theo thầy Tô Lâm Viễn Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, nhằm đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp hướng đến việc mở rộng khuôn viên lớp học nhằm giúp học sinh có thêm nhiều trải nghiệm thực tế chứ không chỉ học kiến thức qua sách vở. Ngoài bộ môn nghệ thuật cải lương tuồng cổ, trong học kỳ 2 năm học 2022-2023, Trường THPT Gia Định sẽ đưa thêm nhiều loại hình nghệ thuật cũng như ngành nghề thủ công truyền thống vào giới thiệu trong trường học nhằm giúp học sinh bổ sung kiến thức và có ý thức tự hào, biết bảo tồn, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hiện nay, TPHCM đã biên soạn xong tài liệu Giáo dục địa phương lớp 7 và lớp 10, chờ Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt. Để khắc phục tình trạng tài liệu môn học này không kịp ban hành trong học kỳ 1 khiến các trường bỏ trống tiết, phải dạy dồn trong học kỳ 2, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết sẽ sớm hoàn thiện tài liệu Giáo dục địa phương đối với lớp 8 và lớp 11 - hai khối lớp tiếp theo triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nhằm giúp các trường THCS và THPT chủ động triển khai trong năm học 2023-2024.

Tin cùng chuyên mục