Nhiều dự án sân khấu mới
Ngay từ đầu năm 2019, dự án phát triển nghệ thuật và sáng tạo YUME dành cho cộng đồng đã thành lập với tên gọi “Tiếp bước trăm năm” để đưa cải lương đến gần người trẻ và cộng đồng, để bộ môn nghệ thuật này tiếp tục được giữ gìn và phát huy. Dự án do TS Đào Lê Na (Trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình sân khấu - điện ảnh, Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM) cùng đồng nghiệp thực hiện.
Đây là dự án truyền dạy nghệ thuật sân khấu cải lương cho trẻ em và thanh thiếu niên được Hội đồng Anh tài trợ kinh phí, học viên theo học hoàn toàn miễn phí, thời gian học tập và rèn luyện kéo dài từ tháng 2 đến tháng 6-2019.
Mới đây, Khoa Thiết kế và Nghệ thuật, Trường Đại học Hoa Sen phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức tọa đàm chuyên đề “Tinh hoa cải lương với người trẻ Việt Nam”, với sự tham gia diễn giải, biểu diễn của nhà văn - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc, NSƯT Phương Hồng Thủy, NSƯT Mỹ Hằng, NSƯT Hải Phượng, NSƯT Văn Môn, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, GS Hugo Frey và giảng viên - nhà văn Suzanne Joinson của Trường Đại học Chichester, Vương quốc Anh.
Tại tọa đàm, anh Nguyễn Việt Thái, Trường Đại học Hoa Sen, chia sẻ: “Sân khấu cải lương hôm nay thật khó lôi cuốn khán giả trẻ vì không có kịch bản mới. Khán giả chỉ có thể nghe và cảm được những kịch bản xưa cũ của thế hệ cha chú. Với các nghệ sĩ trẻ, giọng ca tuy có nội lực nhưng khán giả không tìm thấy được sự rung động thật sự với nhân vật. Cứ xem những vai diễn không thể chạm đến cảm xúc của khán giả thì thật khó để khán giả thích cải lương”.
Khán giả - nhân tố quan trọng
Có thể thấy những khó khăn thời cuộc mà sân khấu cải lương đang vướng phải như: thiếu sân khấu đủ chuẩn đáp ứng nhu cầu tổ chức biểu diễn; thiếu đội ngũ nghệ sĩ trẻ giỏi và tâm huyết với nghề; thiếu đội ngũ tác giả tài năng, đồng nghĩa với việc thiếu kịch bản hay, chất lượng; sự lôi cuốn của các loại hình giải trí hiện đại khiến thị phần khán giả sân khấu cải lương giảm dần từng năm...
Những năm qua, nghệ thuật cải lương còn đối mặt với việc không có dự án, kế hoạch quy mô, cụ thể và chủ động để đẩy mạnh việc đào tạo khán giả kế thừa, đẩy mạnh công tác quảng bá nghệ thuật cải lương đến với người trẻ.
Hiện nay đang có các dự án sân khấu học đường, giới thiệu nghệ thuật sân khấu cải lương, đờn ca tài tử, âm nhạc dân tộc... đến với trường học do Sở VH-TT TPHCM chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật công lập thực hiện. Một số chương trình khác do các nghệ sĩ tâm huyết tự tìm nguồn tài trợ để duy trì tổ chức hoạt động. Tất cả đều mang tính chất nhỏ lẻ, thiếu quy mô, chiều sâu.
NSND Trần Ngọc Giàu tâm tư: “Bây giờ có đầu tư một nhà hát đủ chuẩn, xây dựng đội ngũ làm nghề tài năng mà không có khán giả thì cải lương sẽ diễn cho ai xem?”. Nó khẳng định sự quan trọng của lực lượng khán giả, điều mà bấy lâu nay chưa được cơ quan chức năng quan tâm.
Có thể học tập kinh nghiệm từ lĩnh vực âm nhạc cổ điển, giao hưởng và thính phòng. Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) đã tổ chức chương trình “Giai điệu trẻ” giới thiệu âm nhạc cổ điển, giao hưởng, thính phòng, ballet, múa đương đại, các loại nhạc cụ... đến với người trẻ tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM.
Hai năm gần đây, HBSO đã chuyển đổi phương thức tiếp cận công chúng trẻ yêu thích âm nhạc cổ điển bằng cách thức mỗi suất diễn dành tặng 25 vé và giảm giá 30 vé. Số lượng vé này luôn hết trước tiên. Chỉ với 80.000 đồng/vé, nhiều bạn trẻ đã đến Nhà hát thành phố để thưởng thức những đêm trình diễn nghệ thuật chất lượng, đặc biệt có buổi diễn của các nghệ sĩ nước ngoài nổi tiếng…
Như vậy, để đào tạo, quảng bá và tiếp cận với công chúng trẻ, xây dựng đội ngũ khán giả trẻ cho các loại hình nghệ thuật không khó. Vấn đề là cách làm có chiều sâu và lan tỏa hay không. Không thể duy trì cách thức làm cho có và kém hiệu quả, nếu không muốn các lĩnh vực nghệ thuật mai một dần vì thiếu khán giả.