Sau ngày thống nhất đất nước, từ tháng 2-1976 đến năm 1991, tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy sáp nhập thành tỉnh Thuận Hải. Năm 1992, tỉnh Bình Thuận được tái lập. Sau 30 năm tái lập tỉnh, từ một vùng khô hạn bậc nhất cả nước, tỉnh Bình Thuận đã vượt khó vươn lên, biến khó khăn thành lợi thế để đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quy mô GRDP năm 2022 của tỉnh ước đạt 94.858 tỷ đồng, gấp 24 lần so với năm 1992; GRDP bình quân đầu người tăng gần 13 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 41 lần. Các thế mạnh như du lịch, khai thác dầu khí ngoài khơi, thủy sản, năng lượng tái tạo, đã và đang từng bước đưa tỉnh Bình Thuận trở thành một cực phát triển mới của khu vực Nam Trung bộ. Đến nay, các ngành kinh tế phát triển khá đồng đều, tiềm năng, lợi thế của tỉnh được khai thác ngày càng tốt hơn, nhất là về năng lượng, du lịch, kinh tế biển.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực và những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Thuận đã đạt được trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của cả nước. Vượt qua những khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận đã đoàn kết, sáng tạo, biến khó khăn thành lợi thế để phát triển. Thủ tướng cũng chỉ ra, tỉnh Bình Thuận vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có. Do đó, thời gian tới, tỉnh Bình Thuận cần tập trung phát triển mạnh kinh tế biển, phát triển du lịch xanh và bền vững. Với tiềm năng sẵn có, tỉnh Bình Thuận cần tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo, sớm đưa địa phương trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Trung ương đã dự lễ khởi công dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 (huyện Hàm Tân); kiểm tra, đôn đốc tiến độ xây dựng một số hạng mục dự án Cảng hàng không Phan Thiết. Đến kiểm tra, đôn đốc tiến độ xây dựng một số hạng mục dự án Cảng hàng không Phan Thiết, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ KH-ĐT, tỉnh Bình Thuận và các bộ, ngành, đơn vị đầu tư, nhà thầu phối hợp thúc đẩy các bước xây dựng dự án, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công; triển khai theo quy hoạch; đầu tư cảng hàng không Phan Thiết theo hướng hiện đại, phát triển lâu dài theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ngay tại công trường, Thủ tướng chỉ đạo phải xử lý các vướng mắc về giải phóng mặt bằng; mỏ vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng dự án; giải quyết khu vực chồng lấn giữa khai thác, chế biến titan và xây dựng sân bay. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Bình Thuận tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai dự án, để đến hết năm 2023 hoàn thành, đưa sân bay vào sử dụng.