Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, kinh tế cả nước nói chung, Bến Tre nói riêng đều bị ảnh hưởng. Để mục tiêu thành hiện thực, Bến Tre sẽ thực hiện như thế nào. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với đồng chí Lê Đức Thọ), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.
* PHÓNG VIÊN: Bến Tre đặt mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh khá của khu vực ĐBSCL vào năm 2025. Tỉnh cần chuẩn bị những gì để đạt mục tiêu trên, thưa ông?
- Đồng chí LÊ ĐỨC THỌ: Phấn đấu đưa Bến Tre trở thành tỉnh trong nhóm phát triển khá khu vực ĐBSCL vào năm 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng 18 văn bản cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 trên tất cả lĩnh vực. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 nhiệm vụ đột phá và 11 công trình, dự án trọng điểm.
Trong số các nhiệm vụ được đề ra, việc tiếp tục cải cách mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN), hình thành cơ chế, chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế được tỉnh tập trung, khẩn trương thực hiện. Mục tiêu trong nhiệm kỳ, tỉnh phát triển mới 5.000 DN và xây dựng 100 DN dẫn đầu. Huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi, cấp nước, giao thông, logistics, phát triển đô thị để khắc phục bằng được những tồn tại, hạn chế cố hữu về hạ tầng đã cản trở sự phát triển của địa phương nhiều năm qua. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, bảo đảm đồng bộ, kết nối theo định hướng phát triển Bến Tre về hướng Đông, nhằm tạo động lực và không gian phát triển mới, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ, đảng viên; quan tâm đào tạo nhân lực khoa học công nghệ, nhất là nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội… được tỉnh xác định là một trong những giải pháp cần tập trung thực hiện ngay, bảo đảm cơ sở cho tăng trưởng kinh tế, thu hẹp khoảng cách với các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL.
* Cụ thể những kết quả nổi bật nào tỉnh đạt được thời gian qua và bài học kinh nghiệm để có một chiến lược phát triển toàn diện hơn?
- Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre đã đoàn kết, quyết tâm hành động vượt qua khó khăn, ổn định chính trị; đạt thành tựu phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2020, trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, tình trạng hạn mặn xâm nhập sớm và kéo dài, kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống chính trị, DN và nhân dân Bến Tre hết sức nỗ lực để duy trì tốc độ tăng trưởng 0,84%, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh (PAPI), chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) duy trì ở nhóm điều hành tốt nhiều năm liền. Chỉ số thương mại điện tử liên tiếp trong nhóm tỉnh dẫn đầu ĐBSCL.
Trên cơ sở đó, tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm: trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết phải chủ động, quyết tâm cao; tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân. Kiên trì và ưu tiên nguồn lực thực hiện mục tiêu trọng tâm, trọng điểm đã đề ra; có phân công tập thể, cá nhân phụ trách cụ thể và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; phải coi trọng phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; kịp thời xây dựng, ban hành chính sách phù hợp để huy động, thu hút có hiệu quả trí tuệ, kinh nghiệm và các nguồn lực, đặc biệt nguồn lực về con người, vốn đầu tư và khoa học công nghệ; chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhất là tính chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm, tư tưởng tiến công, chống tư tưởng ngại khó; đề cao vai trò nêu gương, tính tiên phong của người đứng đầu; chủ động phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, tăng cường liên kết hợp tác giữa các địa phương trong vùng nói riêng và cả nước nói chung để khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và lợi thế cạnh tranh để cùng phát triển.
Với mục tiêu trở thành tỉnh khá của khu vực ĐBSCL vào năm 2025, Bến Tre đã xác định và sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: 1. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển DN, phát triển cơ chế, chính sách phù hợp. Phấn đấu đưa chỉ số cải cách hành chính vào nhóm 20 tỉnh đứng đầu cả nước. 2. Huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi, cấp nước, giao thông, logistics, đô thị. Phấn đấu hình thành giai đoạn 1 tuyến động lực ven biển. 3. Phát triển nguồn nhân lực phù hợp Tầm nhìn chiến lược đến năm 2030 và năm 2045; tập trung xây dựng nhân lực khoa học công nghệ, chuyển đổi số, quản lý DN, hợp tác xã. 4. Hoàn thành Quy hoạch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm 2021-2025; Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 của tất cả huyện, thành phố làm cơ sở pháp lý cho việc xúc tiến và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển. 5. Quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả 11 công trình, dự án trọng điểm và các nội dung, chương trình theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra. |
- Với quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, tỉnh Bến Tre đã triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có kết quả các chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành trung ương nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo và chỉ thị số 07-CT/TU ngày 2-8 về việc tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19: tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với các giải pháp chặt chẽ, kịp thời. Phát động cao điểm phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” trong phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, HĐND tỉnh có nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Đến nay, tỉnh cơ bản khống chế được dịch Covid-19, từng bước ổn định, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Tỉnh đang triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp để đạt mục tiêu khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện đồng bộ việc giải ngân vốn đầu tư công và đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các công trình, dự án trọng điểm, nhất là công trình bị ảnh hưởng tiến độ do dịch Covid-19. Ngay trong giai đoạn này, phải chuẩn bị đầy đủ kế hoạch, phương án triển khai dự án, công trình trọng điểm và khẩn trương thực hiện, không chờ đến khi hết dịch bệnh mới bắt tay vào làm, chủ động triển khai ngay những công việc cần thiết.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất và khát vọng vươn lên với quyết tâm chính trị cao, tôi tin tưởng thời gian tới, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tỉnh Bến Tre sẽ quyết tâm hành động, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và chiến lược phát triển tỉnh Bến Tre.
8 tháng đầu năm 2021, tỉnh Bến Tre đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đạt nhiều kết quả toàn diện. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,47%. Tháng 7, tháng 8 do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4 khiến cả nước nói chung và Bến Tre nói riêng nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Bến Tre vẫn duy trì được những điểm sáng phát triển kinh tế - xã hội. 7 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng 14,5%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 78,11% kế hoạch, tăng 69,9%; giải ngân vốn đầu tư công đạt 41,9% kế hoạch, tăng 50,9% so với cùng kỳ. |