Động lực và thử thách
Đại dịch Covid-19 đã mang đến những thách thức chưa từng có, một “thế giới hoàn toàn mới”. Việc nắm bắt các cơ hội phát triển từ kinh tế số ở “thế giới hoàn toàn mới” có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, tăng cường kết nối, nâng cao vị thế của ASEAN trong những năm tới.
Kế hoạch ADM2025 vừa được thông qua có 8 nội dung chính, gồm: Ưu tiên đẩy mạnh sự phục hồi của các nước thành viên ASEAN sau đại dịch Covid-19; Tăng cường chất lượng và độ bao phủ của hạ tầng băng thông rộng cố định và di động; Cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số đáng tin cậy và ngăn chặn thiệt hại đến người tiêu dùng; Thiết lập thị trường cạnh tranh và ổn định cho việc cung ứng dịch vụ kỹ thuật số; Tăng cường chất lượng và sử dụng dịch vụ chính phủ điện tử; Dịch vụ kỹ thuật số kết nối doanh nghiệp; Thiết lập cơ sở hạ tầng cho thương mại xuyên biên giới; Nâng cao khả năng cho doanh nghiệp và người dân tham gia nền kinh tế kỹ thuật số và một xã hội kỹ thuật số hài hòa trong ASEAN.
Các cơ hội kinh doanh trong những lĩnh vực mới như kỹ thuật công nghệ tài chính, kỹ thuật công nghệ y tế và kỹ thuật công nghệ giáo dục... đang rộng mở và được các nhà đầu tư quan tâm. Kinh tế số không chỉ là bệ phóng cho tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN những năm tới, mà còn là cơ sở thúc đẩy kết nối khu vực này với các nước đối tác.
Tuy nhiên, để đối phó với mối đe dọa xuyên biên giới nhằm phát triển khu vực thành khối kinh tế kỹ thuật số, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin khẳng định, ASEAN cần chú ý đến mối đe dọa an ninh mạng đang thay đổi nhanh chóng, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, bao gồm cả vấn đề an ninh quốc gia.
Niềm tin từ nội lực
Đại dịch Covid-19 đã buộc ASEAN phải hướng đến việc số hóa, đồng thời nó đã trao cho các quốc gia thành viên một động lực để tiến nhanh hơn trên con đường này. Tiềm năng phát triển kinh tế số của các nước ASEAN được giới chuyên gia đánh giá là rất lớn khi khu vực này hiện có khoảng 400 triệu người dùng internet và riêng trong năm 2020, đã có thêm 40 triệu người dùng mới. Việc áp dụng kỹ thuật số cũng sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng tại ASEAN với động lực từ những người tiêu dùng kỹ thuật số bản địa.
Trong Báo cáo “Tương lai tiêu dùng tại các thị trường có số lượng người tiêu dùng tăng trưởng nhanh - ASEAN”, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) dự báo, trong 10 năm tới, ASEAN sẽ có thêm 140 triệu người tiêu dùng, chiếm 16% tổng số người tiêu dùng mới của thế giới. Các lĩnh vực kỹ thuật số của Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và dự kiến sẽ vượt mốc 300 tỷ USD vào năm 2025.
Theo WEF, nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN sẽ thực sự bùng nổ và bao trùm, khi người tiêu dùng chấp nhận kỹ thuật số, các nhà đầu tư đẩy mạnh kinh doanh kỹ thuật số sáng tạo và chính phủ hỗ trợ cho các chương trình chuyển đổi kỹ thuật số quan trọng. “Với lợi thế là một khối thị trường rộng lớn, ASEAN đang đứng trước một bước nhảy vọt về kinh tế - xã hội”.
Theo hãng thông tấn Bernama của Malaysia, hội nghị lần này cũng đã thông qua Tuyên bố Putrajaya “ASEAN: Một cộng đồng kết nối kỹ thuật số”, đồng thời nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị ADGMIN lần thứ hai và các cuộc họp với các đối tác đối thoại và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tại Myanmar vào cuối năm nay.
Theo Bộ trưởng Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia Saifuddin Abdullah, Cybersecurity Malaysia (CSM), một cơ quan thuộc bộ này, đã triển khai chương trình cấp chứng chỉ chuyên nghiệp về an ninh mạng tên gọi Global ACE (Chương trình đào tạo an ninh mạng được công nhận toàn cầu) và Malaysia muốn cung cấp chứng chỉ này cho các nước ASEAN. |