Đầu năm 2016, vấn đề này được “xới” lại bằng dự thảo Đề án “Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020”. Đến nay, sau nhiều lần góp ý, bổ sung, âm nhạc dân tộc vẫn chưa chính thức đưa vào trường học. Vì sao?
Nỗ lực tự thân của các trường
Năm học 2017-2018, một trong những nỗ lực đổi mới tổ chức dạy và học ở các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM là nhân rộng mô hình tập thể dục buổi sáng và thể dục giữa giờ. Theo đó, tất cả giáo viên, học sinh vào mỗi đầu và giữa buổi học sẽ được tham gia 2 bài đồng diễn thể dục là Vươn cao Phù Đổng và Năng động Việt Nam với những động tác nhẹ nhàng, gần gũi, đã được liên Sở GD-ĐT và Văn hóa - Thể thao hướng dẫn thực hiện qua clip minh họa. Dự kiến vào giữa tháng 9-2017, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức tập huấn cho giáo viên tất cả trường tiểu học trên địa bàn TP, qua đó đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả của hoạt động này.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) tham gia chương trình biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử
Theo giáo viên nhiều trường tiểu học, tập thể dục giữa giờ không phải là hoạt động mới bởi đã diễn ra nhiều năm nay ở các trường tiểu học trên địa bàn TP. Tuy nhiên, “trước đây không có hướng dẫn cụ thể nên mỗi trường tập mỗi kiểu, chọn nền nhạc cũng rất khác nhau. Có nơi chọn các bài dân ca như Trống cơm, Lý ngựa ô để qua đó kết hợp lồng ghép giáo dục học sinh các giá trị truyền thống của dân tộc. Nhưng cũng có đơn vị chọn các bài nhạc trẻ như Dòng máu Lạc Hồng, Bống bống bang bang…, hiệu trưởng một trưởng tiểu học ở quận 3 cho biết. Đáng nói là số trường chọn các bài hát dân ca ngày càng giảm, trong khi đó, những bài nhạc trẻ với tiết tấu nhanh gọn, ca từ được đa số học sinh yêu thích và thuộc lòng xuất hiện ngày càng nhiều, khiến nhiều người lo ngại giai điệu truyền thống sẽ dần mai một.
Ở bậc THPT, vào cuối năm 2016, Trường THPT Trưng Vương (quận 1) cũng tổ chức tiết học liên môn Văn - Sử có lồng ghép âm nhạc truyền thống cho học sinh tham gia. Tại các phòng học trải nghiệm, học sinh không chỉ được giới thiệu về 4 loại hình âm nhạc truyền thống (đờn ca tài tử, chèo, ca Huế và âm nhạc dân tộc cao nguyên, xoay quanh các yếu tố đặc tính chung, đối tượng sáng tạo và thưởng thức, tính cộng hưởng văn học, tính cộng đồng) mà còn được nghe các nghệ sĩ biểu diễn một số làn điệu, xem biểu diễn hòa tấu các loại nhạc cụ, để có thêm hiểu biết về lĩnh vực âm nhạc này.
Tuy nhiên, theo thừa nhận của một lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, hiện nay chưa có quy định chung về thời lượng cũng như chuẩn kiến thức âm nhạc dân tộc đưa vào trường học, nên đa số các trường đang làm trên tinh thần tự giác phối hợp với các đơn vị chuyên môn như Nhạc viện TPHCM, các trung tâm văn hóa quận, huyện. Trường nào có giáo viên hiểu biết về âm nhạc dân tộc, được lãnh đạo quan tâm, phụ huynh ủng hộ thì triển khai tốt. Ngược lại, có đơn vị rất muốn triển khai nhưng thiếu nhân lực và kinh phí thực hiện nên hoạt động đành im hơi lặng tiếng.
Đào tạo giáo viên là vấn đề cốt lõi
Trước đây, tại hội nghị góp ý dự thảo Đề án “Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020”, bà Trần Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8), bày tỏ: “Giống như đề án dạy và học ngoại ngữ trước đây, TPHCM đã dành nhiều tâm huyết cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh, lực lượng nòng cốt thực hiện đề án. Do đó, để triển khai hiệu quả đề án giáo dục âm nhạc dân tộc, tôi nghĩ vấn đề đầu tiên và cốt lõi chính là đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên âm nhạc”.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, trong tổng số 557 giáo viên âm nhạc đang giảng dạy ở bậc tiểu học và 454 người dạy ở bậc THCS, chỉ có 6 giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành âm nhạc dân tộc và 106 người có hiểu biết và khả năng sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc. Nhiều trường phải sử dụng giáo viên chủ nhiệm kiêm dạy nhạc, kết hợp dạy nhạc trên lớp với mời các nghệ sĩ, câu lạc bộ, đội nhóm chuyên nghiệp về trường biểu diễn để nâng cao khả năng cảm thụ cho học sinh. Riêng ở bậc THPT, âm nhạc hiện nay là một trong những môn học tự chọn nên không có lực lượng giáo viên cơ hữu. Mọi hoạt động giáo dục âm nhạc nói chung, đưa âm nhạc dân tộc nói riêng vào giảng dạy trong trường học đều tổ chức theo hình thức sinh hoạt chuyên đề, mời các giáo sư, nghệ sĩ về trường biểu diễn.
Từ thực tế đó, lãnh đạo các đơn vị kiến nghị TP nghiên cứu chính sách đào tạo và quy hoạch đội ngũ giáo viên âm nhạc trong trường học. Trong đó, nên đưa âm nhạc dân tộc vào một trong những nội dung tập huấn, sinh hoạt chuyên đề thường xuyên ở các cụm chuyên môn, phòng GD-ĐT quận, huyện để nâng cao nhận thức của giáo viên về tầm quan trọng của bộ môn nghệ thuật này. Ngoài ra, bên cạnh việc tuyên truyền, khuyến khích học sinh tham gia tìm hiểu âm nhạc dân tộc, các trường đang trông chờ chỗ đứng nhất định của bộ môn này trong chương trình, sách giáo khoa mới do Bộ GD-ĐT biên soạn, để từ đó có cơ sở pháp lý vững chắc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này tại các đơn vị.
Vào buổi sinh hoạt chào cờ thứ hai của năm học 2017-2018, thầy và trò Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) đã có dịp hòa mình vào những tiết mục biểu diễn đờn ca tài tử đặc sắc, ngoài ra còn được các nghệ nhân hướng dẫn cách chơi một số loại nhạc cụ dân tộc, được xem hát dân ca, múa bóng rỗi (một trong các loại hình múa hát nghi lễ tại các đền, miếu ở Nam bộ xưa - PV).