Đưa AI về xã đảo

Bao năm qua, người dân xã đảo Thạnh An (Cần Giờ, TPHCM) sợ nhất không phải là đói ăn, thiếu mặc, mà là bệnh phải cấp cứu. Mỗi lần như vậy là một lần thót tim.
Bác sĩ Hoàng Thị Phượng thao tác trên bộ máy X-quang tích hợp trí tuệ nhân tạo. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bác sĩ Hoàng Thị Phượng thao tác trên bộ máy X-quang tích hợp trí tuệ nhân tạo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hiện giờ, nỗi sợ đó đã được xóa tan khi thành phố tăng cường y bác sĩ trẻ, thiết lập mạng lưới cấp cứu hiện đại nhằm chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân nơi đảo tiền tiêu của thành phố.

Giữa trưa những ngày cuối năm, từng cơn gió biển rít qua khoang ghe đang tròng trành trên sóng hướng về xã đảo Thạnh An. Trên ghe, hàng chục người già, trẻ chuyện trò rôm rả. Đứng hóng mát phía đầu ghe, ông Lê Văn Bốn (ấp Thạch Hòa, xã đảo Thạnh An) cả đời gắn chặt với xã đảo, kể, lúc khó khăn, ông được bộ đội biên phòng về hỗ trợ xây nhà tình thương, dạy nghề cho 2 người con có việc làm ổn định. Mới đây, chính quyền, đoàn thể và cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Thạnh An - Bộ đội biên phòng TPHCM còn tổ chức mừng thọ tuổi 80 cho ông, ông vui lắm.

Niềm vui của ông Bốn còn được nhân đôi khi việc khám chữa bệnh ngay tại xã đảo không còn vất vả như xưa. “Trước đây, để nhận thuốc điều trị bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, tôi phải canh đúng giờ để đi ghe sang bệnh viện huyện, cả đi cả về hết một ngày, như vậy con cháu phải bỏ việc theo tôi vào bờ. Bây giờ, khám bệnh ngay tại trạm, thuốc được cấp đủ, không riêng gì tôi mà ai cũng vui”, ông Bốn hồ hởi nói.

Ghe cập bến, được các chiến sĩ Đồn biên phòng Thạnh An đón và đưa vào trạm y tế - nơi đang có hàng chục người dân thăm khám bệnh, ông Phan Văn Tới (51 tuổi) chia sẻ, trạm y tế của xã được bổ sung nhiều bác sĩ và máy móc mới, nay ông tới sớm để khám bệnh vì thấy khó thở nhiều ngày qua. “Đường vào đất liền cách trở, bận bịu mưu sinh nên tôi cũng như nhiều bà con ngư dân khác khi có bệnh thường tự mua thuốc uống. Giờ có thêm bác sĩ, máy móc hiện đại, chúng tôi thuận tiện vì vừa mần ăn vừa khám bệnh trong ngày”, ông Tới nói.

Bác sĩ Luân Thanh Trường, Trưởng Trạm y tế xã đảo Thạnh An, cho hay, các y bác sĩ ở Thạnh An gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc sức khỏe cho người dân vì đặc thù địa lý, cơ cấu bệnh tật thay đổi… Lo nhất là mỗi khi có người bệnh cấp cứu, các anh phải nhờ ca nô của đồn biên phòng, hoặc đi ghe đưa người bệnh vòng qua rừng Sác, mất 45 phút nếu thời tiết bình thường mới tới được đất liền. Nhiều ca bệnh trở nặng, không qua khỏi vì trễ “thời gian vàng”.

Để khắc phục, Sở Y tế TPHCM phối hợp chính quyền địa phương triển khai chương trình Nâng cao năng lực y tế xã đảo Thạnh An nhằm chăm lo sức khỏe cho người dân xã đảo tốt hơn. Lần đầu tiên trạm đưa vào vận hành bộ máy X-quang hiện đại tại giường, có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống PACS (lưu trữ, truyền hình ảnh). Bộ máy X-quang này được tích hợp AI do chính các kỹ sư Việt Nam lập trình. Nó có thể đọc được chính xác 95 tổn thương bệnh lý của người bệnh. Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh hiện đại sẽ giúp các bác sĩ ở trạm có thể dễ dàng kết nối, hội chẩn từ xa với các chuyên gia bệnh viện tuyến trên để chẩn đoán chính xác và đưa phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM còn chuyển giao kỹ thuật và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên y tế tại trạm. Người bệnh ở xã đảo Thạnh An mắc các bệnh lý không lây như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch… sẽ được quản lý, chăm sóc ngay tại trạm y tế xã với sự hỗ trợ về chuyên môn của Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ và các bệnh viện tuyến trên. Mô hình chuyển bệnh 2 chiều sẽ được áp dụng: chuyển lên tuyến trên đối với trường hợp bệnh nặng; sau khi điều trị ổn định thì bệnh nhân được chuyển trở về theo dõi, điều trị tại trạm y tế. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ đầu tư xây mới trạm y tế xã đảo Thạnh An với các trang thiết bị cần thiết trong cấp cứu và xử trí cấp cứu ban đầu, kể cả ngoại khoa.

Theo bác sĩ Trường, tính từ ngày 18-11 đến 25-12-2022, trạm đã khám chữa bệnh cho trên 700 trường hợp - cao gấp đôi, thậm chí gấp ba so với trước đó. Khoảng 90% bệnh nhân là người lớn tuổi, người có các bệnh nền mạn tính như hô hấp, đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp… Trong đó, hơn 100 ca được sử dụng máy chụp X-quang. Riêng một bệnh nhân ung thư tuyến giáp có biểu hiện mờ mắt đã được các bác sĩ của trạm kết nối trực tiếp hội chẩn với chuyên gia nội tiết và mắt tại các bệnh viện tuyến cuối của TPHCM thăm khám.

Để có được con số trên và vận hành được thiết bị, đó còn là sự nỗ lực vượt bậc hết mình của các bác sĩ trẻ xung phong ra công tác tại xã đảo, như bác sĩ Lê Phúc An và Phạm Hải Việt Tỷ (Bệnh viện TP Thủ Đức); bác sĩ Nguyễn Văn Chiến và Hoàng Thị Phượng (Bệnh viện Nhân Ái). “Các bác sĩ trẻ đã dấn thân và hết lòng vì người bệnh, đến thăm khám, động viên tại nhà, được người dân xã đảo tin yêu và xem như người thân trong gia đình”, bác sĩ Trường nhận định.

Một mùa xuân mới đang về, những bác sĩ trẻ đều mong muốn sau khi kết thúc thời gian xung phong ra xã đảo khám chữa bệnh cho dân sẽ có dịp quay lại và tiếp tục những công việc cứu người đầy ý nghĩa.

Tin cùng chuyên mục