Sáng 11-5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 11, phiên họp cuối cùng trước khi Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 3 (dự kiến vào ngày 23-5 tới đây). Sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH đã nghe báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022.
Thu ngân sách tăng 202.900 tỷ đồng so với số đã báo cáo
Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, theo báo cáo của Chính phủ, Việt Nam đã đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu theo mục tiêu đã đề ra.
Về tổng thể, so với báo cáo tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10-2021), kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 sau khi đánh giá bổ sung có một số thay đổi đáng ghi nhận như: Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định; tỷ giá, thị trường ngoại tệ, dự trữ ngoại hối nhà nước tiếp tục được củng cố; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%; thu ngân sách nhà nước (NSNN) tăng 202.900 tỷ đồng so với số đã báo cáo.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6%, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm đạt trên 336,3 tỷ USD, tăng 19%; xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD thay vì ước tính nhập siêu như đã báo cáo, trong đó xuất khẩu nông lâm thủy sản cao kỷ lục.
Giải ngân kế hoạch đầu tư công tính đến 31-1-2022 đạt 91,7% kế hoạch Quốc hội quyết định, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục được duy trì, mở rộng; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9%...
Đáng lưu ý, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng, tăng trưởng đạt 25,2% với một số dự án lớn như nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng Long An I và II của nhà đầu tư Hàn Quốc tại tỉnh Long An (3,1 tỷ USD), dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II của nhà đầu tư Nhật Bản tại TP Cần Thơ (1,31 tỷ USD)…
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào vận hành, khai thác. Vốn đầu tư mạo hiểm cho các công ty khởi nghiệp đạt mức cao kỷ lục là 1,4 tỷ USD.
Tăng năng suất lao động là yêu cầu bức thiết
Theo báo cáo của Chính phủ, có 5/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra, so với số đã báo cáo Quốc hội có thêm chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71% thấp hơn mục tiêu 4,8%.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Chính phủ cần bổ sung, đánh giá sâu hơn hiệu quả thực chất của các chính sách, giải pháp ngắn hạn đã thực hiện và tác động lan tỏa của những chính sách, giải pháp dài hạn được ban hành, đặc biệt trong những tháng cuối năm 2021 để hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội.
“Có nhận định cho rằng các chính sách phản ứng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong một số thời điểm còn chậm, chưa hiệu quả, thiếu nhất quán giữa trung ương với địa phương và giữa các địa phương; kế hoạch, lộ trình cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế chậm được ban hành, nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới hồi phục khá tốt sau năm 2020 suy giảm, Việt Nam trở thành quốc gia có độ trễ một năm về tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cần làm rõ vấn đề này”, ông Vũ Hồng Thanh phát biểu.
Đặc biệt, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế lưu ý, có ý kiến cho rằng quy mô và phạm vi hỗ trợ được thực hiện thông qua Nghị quyết số 68/NQ-CP còn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dù xuất siêu, nhưng tạo ra ít giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Trong khi khu vực FDI (cả dầu thô) xuất siêu 27,01 tỷ USD thì khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu cao, khoảng 22,9 tỷ USD. Cả đầu vào và đầu ra của công nghiệp chế biến, chế tạo, được coi là giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, đều phụ thuộc vào bên ngoài, hàm lượng giá trị gia tăng chủ yếu thuộc về khu vực FDI, phần giá trị khu vực kinh tế trong nước được hưởng rất thấp.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh bày tỏ quan ngại: “Có ý kiến cho rằng nếu cấu trúc sản xuất và xuất khẩu thời gian tới không được cải thiện, nguy cơ luồng tiền chi trả sở hữu ra nước ngoài ngày càng tăng, sẽ có tác động tiêu cực đến tỷ lệ tiết kiệm, tổng thu nhập quốc gia và khả năng đầu tư trong tương lai”.