Các hiện vật trong chuyên đề lần này có nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp với nhiều chất liệu, loại hình đa dạng và phong phú. Chiếm số lượng nhiều nhất là gốm sứ Việt Nam từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn có niên đại trải dài từ thế kỷ 13 đến nửa đầu thế kỷ 20, thể hiện một diện mạo đa sắc, sự giao lưu và tiếp biến văn hóa cũng như thông điệp từ quá khứ đã được lưu giữ đến nay.
Đặc biệt, dịp này Bảo tàng TPHCM giới thiệu đến khách tham “Lương Tài Hầu Chi Ấn” là bảo vật quốc gia được công nhận theo quyết định số 88/QĐ –TT, ngày 15-1-2020 của Thủ Tướng Chính Phủ. Qua đó, giúp cho công chúng và những người yêu cổ ngoạn tìm thấy những ký ức của dân tộc qua những câu chuyện từ hiện vật, để hiểu thêm về những tri thức lịch sử văn hóa được chuyển tải từ “Du xuân – Cổ ngoạn”.
Nội dung trưng bày giới thiệu gồm 4 phần:
Phần 1: Sưu tập ấn, tín ký.
Sưu tập ấn, tín ký giới thiệu đến khách tham quan bộ sưu tập ấn tín ký quý hiếm, mang giá trị lịch sử cao, tiêu biểu là những chiếc ấn có niên đại từ thời Lê – Mạc đến thời Tây Sơn và thời Nguyễn. Bên cạnh đó là những Ấn, Tín ký của các quan lại thay mặt triều đình nhà Nguyễn cai quản, xác lập trật tự, kỷ cương, mở rộng khai phá và phát triển vùng đất Nam bộ, nhất là ở vùng đất Sài Gòn - Gia Định.
Phần 2: Sưu tập tượng thờ dân gian Nam bộ.
Sưu tập tượng thờ dân gian Nam bộ gồm những hiện vật gốc, quý hiếm của Bảo tàng và các nhà sưu tập, có giá trị lịch sử, phản ánh đời sống tín ngưỡng của cư dân cùng cộng cư tại vùng đất Nam bộ.
Phần 3: Sưu tập gốm Việt Nam (thời Lý – Trần – Lê – Nguyễn).
Sưu tập gốm Việt Nam bao gồm những hiện vật tiêu biểu minh chứng cho sự phát triển của nghề gốm Việt Nam qua các thời kỳ, không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa mà còn có giá trị thẩm mỹ cao; góp phần giới thiệu về lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam, cũng như sự phát triển của nghề gốm đến đông đảo công chúng.
Phần 4: Sưu tập sứ ký kiểu và pháp lam thời nhà Nguyễn.
Sưu tập giới thiệu các hiện vật là đồ sứ ký kiểu, pháp lam thời nhà Nguyễn với màu sắc, hoa văn trang trí đặc sắc, đáp ứng sở thích, thị hiếu thẩm mỹ và nhu cầu sử dụng của người Việt.
Ngoài ra, chuyên đề còn giới thiệu đến công chúng những hiện vật quý được chế tác thủ công hết sức công phu và tỉ mỉ như: Tượng phật Nhật Bản, hộp bút, hộp bạc, sách thêu, gươm cổ… Cùng với những bộ sưu tập kể trên, tạo thành một bức tranh đầy màu sắc cho chuyên đề “Du xuân – Cổ ngoạn”.
Trong truyền thống của người Việt Nam, du xuân là một trong những hoạt động diễn ra vào dịp đầu năm mới và trở thành một trong những nét đẹp văn hóa dịp tết cổ truyền của dân tộc.
Trưng bày sẽ mở cửa đón khách tham quan từ nay đến ngày 16-4, tại Bảo tàng TPHCM (65 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1).