Dự trữ lương thực, có thể cắt điện để phòng chống bão số 12 và 13

Theo cơ quan cảnh báo thiên tai, sau bão số 12 sẽ lại có bão số 13 đổ bộ vào Trung bộ. Chiều 9-11, Ban Chỉ đạo Trung ương ký công văn hỏa tốc tới nhiều tỉnh và thành phố ở miền Trung, các đơn vị có liên quan yêu cầu sẵn sàng ứng phó với 2 cơn bão, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, kích hoạt hệ thống tin nhắn cảnh báo, có thể cắt điện để phòng tránh bão. 
Chiều tối 9-11, tâm bão số 12 chỉ còn cách bờ biển Nam Trung bộ 230km

Cập nhật từ Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia đến chiều và tối 9-11, tâm bão số 12 chỉ còn cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận khoảng 230km về phía Đông, với sức bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Bão đang di chuyển nhanh theo hướng Tây. Dự báo sáng mai 10-11, tâm bão nằm ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, tăng lên cấp 9, giật cấp 12. Trong ngày 10-11, bão số 12 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Quốc gia, trên biển, vùng gần tâm bão đi qua sẽ có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12, sóng biển cao 5-7m.

Từ đêm 9-11, trên đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 kết hợp với không khí lạnh nên từ nay đến ngày 12-11, từ Quảng Trị đến phía Bắc Khánh Hòa có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt, có nơi trên 450mm; khu vực Quảng Bình, Nam Khánh Hòa và Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.

Sau bão 12 sẽ có cơn bão số 13

Trong khi đó, tại cuộc họp ứng phó bão số 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức ngày 9-11, TS. Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Quốc gia thông tin thêm: Khoảng đêm 11-11 đến rạng sáng 12-11, sẽ có thêm một áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 13 và đi vào Biển Đông.

Do bão di chuyển nhanh nên khoảng ngày 14-11, bão số 13 sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung bộ. Theo nhận định, bão số 13 sẽ đạt cường độ cấp 11 trên Biển Đông.

Công văn hỏa tốc số 179

Trước tình hình bão liên tục đổ bộ vào Trung bộ, chiều 9-11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ký Công văn hỏa tốc số 179 gửi các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận, các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên; Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị chủ động ứng phó bão số 12 và mưa lũ sau bão, nhất là áp thấp nhiệt đới dự bão trở thành cơn bão số 13 tiếp tục ảnh hưởng đến Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ. 

Trong công văn này, Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu bằng mọi biện pháp thông báo, hướng dẫn cho các tàu thuyền đang còn hoạt động trong khu vực nguy hiểm khẩn trương di chuyển, tránh trú đảm bảo an toàn.

Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, kể cả các tàu thuyền đã neo đậu tại khu vực tránh trú; lưu ý đối với các tàu vận tải biển, tàu vãng lai neo đậu ở các cửa sông đề phòng lũ lớn.

Chằng chống nhà cửa, dự trữ thuốc men, lương thực

Trên đất liền, theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, các địa phương phải tổ chức chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây; có phương án đảm bảo an toàn cho người dân tại các nhà cao tầng, nhất là tại các nhà kính dễ xảy ra rủi ro khi bão đổ bộ.

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu “chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men trên các đảo và các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, chia cắt; tổ chức bắn pháo hiệu đồng loạt dọc tuyến biển tại khu vực chịu ảnh hưởng của bão vào tối 9-11”.

Chỉ đạo, huy động lực lượng giúp dân thu hoạch lúa, hoa màu đã đến kỳ thu hoạch; có phương án đảm bảo an toàn cho gia súc, gia cầm, nhất là đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi, tập trung tại các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt.

Không để du khách ra đường khi có bão

Công văn nêu rõ: “Thông tin đầy đủ, kịp thời cho khách du lịch, nhất là khách quốc tế về diễn biến của cơn bão bằng cả 2 ngôn ngữ Việt - Anh để chủ động phòng, tránh, hạn chế để du khách di chuyển hoặc ra đường khi không cần thiết trong thời gian bão đổ bộ”.

Chủ động cắt điện khi bão đổ bộ, nhắn tin cho người dân trong tâm bão


Công văn do Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai ký đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức lực lượng thường trực đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, chủ động cắt điện khi bão đổ bộ đối với những khu vực có nguy cơ xảy ra rủi ro; kịp thời khắc phục sự cố trong mưa bão để sẵn sàng cấp điện trở lại phục vụ đời sống và sản xuất của người dân. 

Sẵn sàng kích hoạt hệ thống tin nhắn đến các thuê bao trong vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ. 

Tin cùng chuyên mục