Cuộc chơi triệu đô
Theo trang web SuperYacht Times, trên thế giới hiện có 8.738 du thuyền đang hoạt động. Số lượng du thuyền không ngừng tăng lên mỗi năm. Mỗi chiếc du thuyền thường có giá từ hàng triệu USD đến hàng trăm triệu USD. Khuynh hướng này được ghi nhận tại cuộc triển lãm Monaco Yacht Show, nơi trưng bày những du thuyền hạng sang. Các du thuyền được phân hạng, trong đó có yếu tố kích thước: dài hơn 60m là superyacht, hơn 100m là megayacht, hơn 150m là gigayacht.
Thế giới du thuyền sang trọng là một thế giới riêng biệt, nơi mà ngoài kích thước khổng lồ của những chiếc tàu, rất nhiều thứ khác đều được giữ trong vòng bí mật. Chẳng hạn như Azzam, chiếc du thuyền được xem là dài nhất thế giới hiện nay (180,61m), không ai rõ chủ sở hữu thực sự của chiếc du thuyền này. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Yachts France - nơi đưa ra bảng xếp hạng siêu du thuyền hàng năm - chủ nhân của Azzam là Tổng thống Các tiểu vương quốc Arab thống nhất Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nayan.
Các hãng đóng du thuyền cho biết chủ nhân của du thuyền thường hầu hết là những doanh nhân (như Eclipse của tỷ phú người Nga Roman Abramovich) hay các nhà công nghiệp (Sailing Yacht A của tỷ phú người Nga Andrey Melnichenko), chỉ một số ít là của các thành viên hoàng tộc trên thế giới. Công ty Quản lý du thuyền toàn cầu Hill Robinson (Pháp) cho biết nhu cầu du thuyền dài từ 100m trở lên đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Các tỷ phú không ngại chi tiền cho những chiếc du thuyền mà họ yêu thích nên giá của nhiều chiếc du thuyền tăng gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Cuộc đua của các tỷ phú cũng góp phần dẫn đến sự ra đời của những chiếc siêu du thuyền ngày càng lớn và sang trọng hơn.
Thực sự thú chơi du thuyền là cuộc chơi chỉ dành cho giới siêu giàu. Ngoài chi phí đóng du thuyền có khi lên đến cả trăm triệu USD, việc duy trì hoạt động của một chiếc du thuyền cũng vô cùng tốn kém. Có thể kể đến như siêu du thuyền Azzam, ngoài chi phí đóng thuyền ước tính vào khoảng 600 triệu USD, chủ nhân sở hữu còn phải chi trả cho thủy thủ đoàn gồm ít nhất 60 thành viên, trong đó có thuyền trưởng của Azzam. Mặc dù con số chi phí không được tiết lộ nhưng chắc chắn không hề nhỏ. Còn Eclipse là du thuyền tư nhân lớn nhất thế giới với chiều dài 162,5m, được hạ thủy vào năm 2010. Du thuyền này có 18 cabin dành cho khách, 2 bãi đáp trực thăng… Để phục vụ cho tối đa 36 khách khi có các cuộc vui, du thuyền sẽ cần đến một thủy thủ đoàn 66 thành viên. Thêm vào đó là chi phí cho nhiên liệu, bảo trì, các phụ phí liên quan, “nuôi” một chiếc du thuyền cần rất nhiều tiền.
Đẳng cấp bến đỗ
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, nhiều gia đình tạm hoãn kế hoạch đi du lịch. Tuy nhiên, điều này không thể làm khó giới siêu giàu trên thế giới. Thời gian qua, nhu cầu sở hữu, thuê du thuyền có xu hướng tăng khi những người có tiền muốn tìm nơi trú ẩn an toàn, kéo theo nhu cầu về những chuyến du lịch nghỉ dưỡng riêng tư tăng cao.
Giới nhà giàu chi nhiều tiền cho những chiếc siêu du thuyền trong năm 2021. Yatco, cơ sở dữ liệu quốc tế về du thuyền, cho biết giá bán và thuê du thuyền tại Mỹ tăng đáng kể so với mức trước đại dịch. Doanh số bán du thuyền dưới 15m tăng 27% so với năm 2019 và 35% so với năm 2020. Doanh số bán du thuyền lớn hơn cũng tăng, với du thuyền trên 45m tăng 62% so với năm 2020 và 47% so với năm 2019.
Tại phía Nam bang Florida (Mỹ), doanh số bán du thuyền bất ngờ tăng từ khi dịch bùng phát, dẫn đến tình trạng thiếu bãi neo đậu. Vì vậy, không ít người giàu ở Mỹ tìm mua những ngôi nhà ven sông, biển để sở hữu chỗ đậu du thuyền. Việc sở hữu siêu du thuyền với giới siêu giàu không khó, vấn đề là tìm kiếm bến đậu cho những cỗ du thuyền đắt tiền. Chi phí mỗi năm ước tính lên đến 350.000 USD riêng cho việc neo đậu. Thậm chí, một số cảng biển trên thế giới có giá đến 3.675 USD/ngày cho mỗi du thuyền muốn dừng chân trong mùa cao điểm.
Trong giới chơi du thuyền thì không chỉ là du thuyền sang trọng đến mức nào, mà phải là bến đỗ “đẳng cấp” đến đâu. Bến đỗ du thuyền phải nằm trong câu lạc bộ (CLB) du thuyền có kiến trúc độc đáo, cảnh quan ấn tượng và tiện nghi xứng tầm. Trên thế giới, không ít du thuyền có lịch sử lâu đời với những dịch vụ độc quyền, thậm chí có nguồn gốc và mối quan hệ với hoàng gia. Một trong những CLB du thuyền lâu đời nhất thế giới là Royal Thames tại London (Anh). Bên trong CLB có 2 quán bar, một nhà hàng nổi tiếng và nơi ở qua đêm để tham gia các sự kiện quan trọng của hoàng gia. Người muốn tham gia CLB phải được các thành viên hiện tại giới thiệu.
Tại Mỹ, CLB du thuyền San Francisco sang trọng là mơ ước của giới nhà giàu. Đặc quyền lớn nhất khi tham gia CLB này là du thuyền viên nào đến thăm cũng trở thành thành viên cao cấp nhất của tất cả CLB khác trên thế giới. Để tham gia các CLB du thuyền sạng trọng và độc quyền, các thành viên phải chứng minh gia thế, tài sản và các mối quan hệ xã hội. Khi chứng minh được đồng nghĩa việc họ có “thẻ căn cước” để tận hưởng những đặc quyền dành cho giới siêu giàu, như những bữa ăn từ đầu bếp sao Michelin, dịch vụ mua sắm xa xỉ, hoạt động thể thao cao cấp…