Dự thảo Thông tư về xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ: Nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng không ít băn khoăn

Ngày 21-10, Báo SGGP đăng tóm tắt nội dung dự thảo thông tư Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông. Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc đã đóng góp ý kiến, bày tỏ sự đồng tình với thông tư, nhưng vẫn còn băn khoăn bởi một số quy định mới.

* Ông VÕ NGỌC HUỆ (phường Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM): Đóng phạt online giúp giảm phiền hà và tiêu cực

 Cách đây mấy năm, người bạn của tôi bị lập biên bản vi phạm giao thông ở một tỉnh miền Tây. Để giải quyết sai phạm này, anh bạn tôi phải chờ đúng ngày để trở về tỉnh đó lấy biên lai nộp phạt, rồi ra kho bạc đóng tiền, rồi lại trở lại Phòng CSGT để lấy giấy tờ. Quá nhiêu khê! Do vậy, khi bị phát hiện sai phạm, các bác tài thường “bồi dưỡng” cho CSGT để được xử lý êm gọn. 

Điều 20 của dự thảo Thông tư quy định cụ thể về trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện việc nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Rõ ràng đây là một trong những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện cải cách hành chính hiệu quả. Nhiều người, nhất là cánh tài xế đường dài rất phấn khởi với chủ trương này. Bởi lẽ, việc này sẽ giảm thiểu tối đa phiền hà và tiêu cực phát sinh trong quá trình lưu thông trên đường. 

Cảnh sát giao thông TPHCM xử lý người vi phạm Luật Giao thông. Ảnh: CHÍ THẠCH



* Luật sư LÊ QUANG Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai: Lo ngại có sự lạm quyền

Liên quan đến dự thảo Thông tư mới về xử lý vi phạm hành chính về giao thông, tôi cho rằng sẽ có lạm quyền và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt cuộc sống bình thường của người dân. 

Theo dự thảo, phạm vi điều chỉnh tại Điều 8 của thông tư này là quá rộng, cho phép hành xử theo lối “tùy nghi” mà kỹ thuật lập pháp rất hạn chế trong các quy phạm pháp luật. Hơn nữa, quy phạm pháp luật có giá trị điều chỉnh chung cho xã hội, có giá trị phổ quát rộng rãi, nhưng với quy định này có thiên hướng áp dụng cho các đô thị, hay những khu dân cư bám theo trục giao thông chính. Vậy giao thông các khu cư dân nông thôn chiếm đa số trong cấu trúc địa hành chính hiện nay sẽ bị ảnh hưởng bởi những lạm quyền có thể gây ra những khó khăn bất lợi cho xã hội. 

Mặt khác, phạm vi điều chỉnh tại khoản 2 Điều 10 của thông tư này (mang tính dự báo cho những sự kiện pháp lý sẽ xảy ra nhiều hơn là đang cần điều chỉnh) cũng sẽ gây ra những khó khăn về mặt xã hội rộng lớn, bởi lẽ ngoài giấy phép lái xe, hiện các loại giấy tờ khác là chưa đồng bộ, chưa có quy định cụ thể. Ví dụ: chứng chỉ về đào tạo, bồi dưỡng và các loại giấy tờ khác... để người điều khiển phương tiện giao thông có đủ (và phải mang theo) và như vậy việc lạm quyền sẽ có cơ sở phát sinh trong khi chưa có các quy định pháp luật tương thích với thực tiễn.

* Ông NGUYỄN QUANG AN, Giám đốc doanh nghiệp cơ khí Bửu An, TPHCM: Có cần thiết kiểm tra bảo hiểm phương tiện?

Khoản a, điểm 2, Điều 10 của dự thảo Thông tư quy định việc kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, gồm quá nhiều loại giấy tờ, trong đó có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và các giấy tờ khác có liên quan theo quy định của pháp luật. 

Trong khi CCCD gắn chip đã và đang cập nhật các thông tin liên quan của người dân, nên chăng đối với phương tiện xe gắn máy thì ngoài kiểm soát CCCD, CSGT chỉ cần kiểm soát thêm giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe là đủ. Theo tôi, dự thảo Thông tư lần này cần mạnh dạn bỏ việc kiểm soát giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Bởi lẽ, ô tô hay xe gắn máy mới thì không yêu cầu chủ phương tiện vẫn mua bảo hiểm mà còn mua “hai chiều” để đề phòng va quẹt, mất mát, tai nạn trên đường lưu thông, và đây là quan hệ trách nhiệm dân dự. Nói thật, trước nay chẳng ai sử dụng loại bảo hiểm này. Người ta mua là để đối phó, bởi thủ tục rất rườm rà, mà có được chi trả đi chăng nữa cũng chẳng bõ bèn gì với chi phí chi ra để khắc phục hư hỏng do va quẹt.

* Ông VŨ HUY LONG (phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TPHCM): Nhắc nhở sẽ tạo ấn tượng

Thời gian qua, hình ảnh người CSGT đã tạo ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người dân TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Đó là việc CSGT đưa người cao tuổi qua đường, CSGT hỗ trợ mở đường cho sản phụ, nạn nhân cấp cứu đến bệnh viện… Tôi còn nhớ khi đến mùa thi, lãnh đạo Phòng CSGT TPHCM yêu cầu toàn lực lượng CSGT tập trung đảm bảo trật tự giao thông tại các điểm thi. Nếu phát hiện phụ huynh đưa sĩ tử đến điểm thi bị sai phạm, như: đi ngược chiều hay phóng nhanh thì yêu cầu nhắc nhở, hướng dẫn và thậm chí đưa hộ sĩ tử đến điểm thi bằng xe chuyên dụng…

Thời gian gần đây, không biết vì lý do gì mà CSGT hay lập chốt tại những điểm rẽ trái, rẽ phải. Người tham gia giao thông thường gọi các chốt kiểm tra đó là “núp lùm”. Theo tôi, những trường hợp vi phạm như quên bật đèn xi nhan, CSGT chỉ cần nhắc nhở, hay cảnh cáo là đủ rồi. Điểm b, khoản 6, Điều 7 của dự thảo Thông tư quy định nhiệm vụ của CSGT trong tuần tra, kiểm soát cũng đề cập đến việc hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ. Thực sự, nhiều khi được CSGT nhắc nhở còn ấn tượng hơn vì đó là hình ảnh người Công an nhân dân!

Tin cùng chuyên mục