Ghi nhận sự cần thiết cho ra đời một nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014 hiện hành, song các chuyên gia cho rằng dự thảo mới còn ít đề cập đến những bất cập, trở ngại đối với doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là với doanh nghiệp và người dân sử dụng dịch vụ vận tải – tức là đối tượng phục vụ hay khách hàng/ người tiêu dùng của ngành vận tải.
Đây là một quan điểm đáng lưu ý được nêu tại Hội thảo về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tổ chức sáng nay 23-1 tại Hà Nội khi đề cập đến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Quang cảnh buổi hội thảo Ghi nhận sự cần thiết cho ra đời một nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014 hiện hành, song các chuyên gia cho rằng dự thảo mới còn ít đề cập đến những bất cập, trở ngại đối với doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là với doanh nghiệp và người dân sử dụng dịch vụ vận tải – tức là đối tượng phục vụ hay khách hàng/ người tiêu dùng của ngành vận tải.
Đơn cử, một số nội dung mới quy định hoặc sửa đổi trong dự thảo (như cho phép chính thức áp dụng hợp đồng điện tử, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, hợp đồng vận tải…) đã xuất hiện nhiều quy định cấm đoán hoặc hạn chế quyền kinh doanh của một số loại hình doanh nghiệp (như kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử, hộ kinh doanh vận tải), trong khi lại bảo hộ cho một số loại hình khác (như doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải).
Điều này được coi là vừa phản cạnh tranh, vừa đi ngược lại quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng được tự do chọn lựa và sử dụng những phương thức kinh doanh, nhà cung cấp dịch vụ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ.
Một điều kiện kinh doanh khác cũng không được chuyên gia ủng hộ là “phương tiện phải thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải hoặc thuộc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải…”. Điều kiện về sở hữu, theo các chuyên gia, không hề có trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành, dự thảo Nghị định đặt ra điều kiện này là không hợp lý.
Một số quy định trong dự thảo được coi là không cần thiết và quá cụ thể đến mức trói buộc doanh nghiệp, tạo ra sự không công bằng giữa các thành phần kinh tế.
Ông Trần Đức Nghĩa (Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam) nêu ví dụ: “Điểm a, khoản 5, Điều 12 của dự thảo quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải có nơi đỗ xe phù hợp với phương án kinh doanh. Quy định này có thể phù hợp với vận tải hành khách nhưng không phù hợp cho vận tải hàng hoá. Trên thực tiễn, tất cả những nơi đỗ xe đều phải tuân thủ những quy định tương tự tại dự thảo này và được quản lý bởi chính quyền địa phương”.
Theo ông Nghĩa, nên bỏ quy định này.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cũng cho rằng với nội dung như dự thảo thì chưa giải quyết được những bất cập trong thực tiễn và chưa có tầm nhìn bao quát được những thay đổi hết sức nhanh chóng của thị trường vận tải hiện nay.
“Nếu chưa sửa được Luật Giao thông vận tải đường bộ thì phải tách bạch yêu cầu kiểm soát an toàn giao thông với hoạt động kinh doanh vận tải. Không thể vì muốn đạt được mục tiêu an toàn mà đặt ra những quy định hạn chế hoạt động kinh doanh. Không nên hạn chế một số phương thức kinh doanh mới, cố gắng bó buộc nó trong chiếc áo cũ đã chật”, ông Hiếu nhìn nhận.
ANH PHƯƠNG