Đây là dự án có quá trình soạn thảo, xây dựng khá “trắc trở”. Gần đây nhất, dự án được dự kiến thông qua tại kỳ họp của Quốc hội vào cuối năm 2016, song đã không nhận được sự đồng thuận của đa số ĐBQH. Trước đó, dự án luật cũng đã một lần lỗi hẹn.
Theo thông tin từ hội thảo, nhu cầu thành lập hội ngày càng nhiều và đa dạng. Tính đến hết 2017, cả nước đã có khoảng 68.000 hội các loại. Trong khi đó, nhiều đại biểu cho rằng, nhiều nội dung trong dự thảo luật chưa thật phù hợp với thực tiễn của hoạt động hội trong những năm qua, thậm chí có quy định còn hạn chế hơn so với pháp luật hiện hành, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập, nặng về yêu cầu quản lý nhà nước.
Theo ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, dự thảo luật “quy định quyền lập hội của công dân còn quá khiêm tốn”. Điều 3 của dự thảo luật đã quy định chung về quyền lập hội của công dân, nhưng lại chưa cụ thể hóa quyền này tại các chương, điều sau đó.
Tương tự, các quyền khác có liên quan như gia nhập hội, hoạt động hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động của hội và quyền ra khỏi hội còn tản mạn ở các điều, chưa rõ ràng, chưa đầy đủ và chưa thể hiện đúng bản chất quyền lập hội của công dân - vốn là một trong những quyền chính trị quan trọng của công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013.
Bên cạnh đó, dự thảo luật chỉ điều chỉnh loại hội có đăng ký thành lập, có tư cách pháp nhân, trong khi đó, thực tiễn đã và đang tồn tại cả các hội được thành lập không đăng ký hoặc không được đăng ký, không có tư cách pháp nhân; hội của người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam…
Tổ chức và hoạt động của các hội này cũng tương tự như các hội có tư cách pháp nhân. “Nếu dự thảo luật không điều chỉnh, thì việc quản lý nhà nước đối với các hội này như thế nào, trường hợp có vi phạm pháp luật thì xử lý vi phạm sẽ như thế nào?”, ông Luyến bình luận.
Chia sẻ nhận định về một số nội dung coi là “không phù hợp”, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhìn nhận, với nội dung như bản dự thảo hiện nay thì tên của dự thảo luật là “Luật Quản lý về hội” mới phù hợp.
Ông Hùng phân tích: “Trong 33 điều chỉ có 2 điều quy định liên quan đến quyền lợi của hội viên. Tất cả các quy định còn lại đều mang nội dung quản lý nhà nước, đặc biệt là trong đó có nhiều nội dung không cần thiết, can thiệp sâu vào hoạt động và điều lệ của các tổ chức của hội”.
Quyền lập hội là một trong các quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 và tiếp tục được ghi nhận trong các bản Hiến pháp sau này. Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.