Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khuyến cáo: “Có nhiều quy định trong dự thảo sẽ tạo ra sự bất hợp lý trong đối xử với các sản phẩm rượu bia, các hộ kinh doanh, nhà sản xuất; đồng thời kém khả thi trên thực tế. Ví dụ như cấm bán rượu bia trên 15 độ trên Internet? Như thế phải chăng bia và rượu vang thì có thể bán thoải mái? Trong khi đó, bán hàng trên Internet chỉ là phương thức kinh doanh mà thôi. Cần nhớ là mỗi năm Việt Nam đang tiêu thụ tới 3 tỷ lít bia mỗi năm, cũng gây ra những tác hại không hề nhỏ. Để kiểm soát, hạn chế mua bán rượu bia thì áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ hiệu quả hơn nhiều”.
Lưu ý rằng để hạn chế việc lạm dụng rượu bia thì cần áp dụng đồng bộ cả 4 nhóm giải pháp (giảm cung, giảm cầu, giảm tiếp cận và giảm tác hại), Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói: “Theo số liệu công bố tại hội thảo mà Bộ Y tế tổ chức, chi phí tiền mua rượu 4 tỷ USD, trong khi xuất khẩu gạo 2,41 tỷ USD. Nếu con số này là đúng thì tình trạng tiêu thụ rượu bia đã đến mức báo động”. Liên quan đến Khoản 5 Điều 28 với nội dung cấm sản xuất, kinh doanh bán rượu bia trong pham vi tối thiểu 100m gần trường học để giảm thiểu sự tiếp cận của trẻ em với rượu bia, bà Hải bày tỏ: “Tôi ủng hộ quy định này. Trường hợp này chủ yếu rơi vào trường hợp hộ kinh doanh nhiều mặt hàng, trong đó có cả bia rượu, nay bỏ mặt hàng bia rượu đi thì cũng không ảnh hưởng lớn”.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng thì nhận xét: “Vấn đề là kiểm soát được chất lượng đầu ra của sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm chứ đừng vội vã kết tội sản xuất thủ công. Nếu quy định cứng nhắc thì lại thành ra hạn chế sự sáng tạo, hạn chế tự do kinh doanh của người dân.
Nhiều ý kiến trong UBTVQH đồng ý với Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định bình luận: “Mục tiêu cuối cùng của luật này là đảm bảo sức khoẻ nhân dân. Luật cần điều chỉnh mọi loại đồ uống có cồn, độ cồn từ bao nhiêu trở lên, đừng chỉ căn cứ vào tên gọi “bia” hoặc “rượu”. Băn khoăn về tính khả thi của dự thảo luật, ông Định thẳng thắn nhìn nhận: “Có khá nhiều quy định trong dự thảo sẽ không thực hiện được trên thực tế”. Chẳng hạn như không quảng cáo rượu, bia trên báo hình trong khung giờ nhất định, nhưng trong các trận bóng đá được phát trực tiếp, chắc chắn người xem sẽ thấy các bảng quảng cáo đó. Tác động của Luật đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng cáo… phải được giải thích cặn kẽ, để đảm bảo thực hiện đúng các cam kết quốc tế, không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói rõ, Luật không cấm hoạt động sản xuất, kinh doanh và quảng cáo đúng pháp luật. Cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần cân nhắc, tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với văn hoá, tập quán của người Việt.
“Chúng ta không vội vã ban hành Luật khi chưa xem xét kỹ, toàn diện vấn đề. Nếu chưa chín muồi, chưa đồng thuận thì chưa thông qua”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định.