Tăng quyền cho cơ sở khám chữa bệnh
Theo ông Đỗ Trung Hưng, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), dự thảo Luật KCB sửa đổi gồm 12 chương, 114 điều. So với luật hiện hành (năm 2009) có thêm 3 chương mới: KCB bằng y học cổ truyền; KCB nhân đạo phi lợi nhuận; huy động, điều động nguồn nhân lực trong KCB trong tình trạng thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A. Điểm mới tại Điều 104 của dự thảo luật KCB sửa đổi quy định bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở KCB và an toàn cho người hành nghề cùng người khác làm việc tại cơ sở KCB. Trong đó, cho phép lực lượng bảo vệ của cơ sở KCB được phép sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật; được đào tạo về kỹ năng nhận diện các nguy cơ và biện pháp xử lý tình huống; được lực lượng cảnh sát nhân dân hỗ trợ bảo vệ.
Điều 36 dự thảo luật quy định quyền từ chối KCB quy định thêm so với luật hiện hành là người bệnh có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề đang thực hiện nhiệm vụ; người bệnh không tuân thủ chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh sau khi đã được người hành nghề tư vấn… Cơ sở KCB được áp dụng các biện pháp ngăn chặn khẩn cấp, đồng thời có thể tạm giữ người có hành vi gây mất an ninh trật tự, có nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại cơ sở KCB và phải thông báo cho cơ quan công an trên địa bàn.
Dự thảo luật cũng đưa vào quy định: người có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở KCB bị coi là người có hành vi chống người thi hành công vụ. Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật, còn phải xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tại nơi người đó cư trú, nơi người đó làm việc hoặc tại cơ sở KCB nơi người đó có hành vi xâm phạm tinh thần, sức khỏe, tính mạng của thầy thuốc, người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở KCB.
Cần bổ sung nhiều vấn đề
Góp ý tại hội thảo, đại biểu Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XV, cho rằng, lần sửa luật này rất quan trọng và phải hiện thực hóa cho được chủ trương đúng đắn của Đảng. Cần chú ý đến việc tính đúng, tính đủ để các bệnh viện tham khảo xây dựng bảng giá cho đơn vị mình. Bệnh viện tự xây dựng mức giá rồi căn cứ theo mức độ tự chủ để đề xuất về Bộ Y tế. “Bộ Y tế cần nắm rõ cái chung, cái đủ, cái đúng và làm nền tảng cho các cơ sở xây dựng bảng giá đặc thù cho bệnh viện mình. Tính là phải tính đúng, tính đủ. Còn thu, tùy theo loại hình tự chủ là gì và tùy đầu tư của Nhà nước”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tại khoản 1, Điều 101 quy định về giá KCB, rất cần bổ sung chi phí đào tạo, chi phí thực hiện công nghệ thông tin trong KCB. Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, đề nghị Luật KCB sửa đổi lần này cần quy định cụ thể hơn có hay không việc đóng thuế đối với giá KCB được ban hành theo khung giá của Nhà nước, vì cơ cấu giá trong dự thảo chưa bao gồm thuế, kể cả các chi phí ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay.
Băn khoăn về dự thảo luật, bà Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, cho rằng, không có xứ sở nào bệnh viện phải loay hoay cơ chế tài chính, đấu thầu, cung ứng được thuốc, vật tư tiêu hao… như chúng ta. “Luật sửa đổi lần này đang soạn thảo theo hình mẫu của nước nào và nếu sáng tạo chúng ta bớt cái nào, trên nguyên lý nào”, bà Phạm Khánh Phong Lan đặt vấn đề và cho biết, đây là dự thảo luật với nội dung khá lớn, người trong ngành nhìn vào cũng thấy ngợp, vì vậy, cần xác định rõ luật cũ so với dự thảo luật có điểm gì mới để các đại biểu có cơ sở đóng góp ý kiến thêm.
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, luật đã lạc hậu, nhưng nếu cứ sửa đổi theo hướng tập trung quyền lực lên cấp trên quản hết thì đó không phải là xu hướng mà sẽ tiếp tục gây ra những hệ lụy. Cần quy định cụ thể để công ra công, tư ra tư. Hiện nay, chúng ta không đủ tiền đầu tư để cho các bệnh viện tự chủ, nhưng tự chủ không đúng nghĩa thì bệnh viện sẽ không phát huy được. Từ trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc đều “chẻ nhỏ” ra để đấu thầu và lựa chọn giá làm sao thấp nhất... tạo thành một mớ bùng nhùng. Khi sửa luật, chúng ta phải xác định theo yêu cầu của thực tế. Nếu sửa mà vẫn như cũ thì anh em trong ngành cũng không trông mong gì.
Tập trung 5 nhóm vấn đề trọng tâm |