Tiếp tục chương trình nghị sự phiên họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về đề nghị của Chính phủ về bổ sung 2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung cả dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào chương trình năm 2022 trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2022), thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022).
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm tán thành với sự cần thiết xây dựng dự án Luật. Bên cạnh đó, ông Hoàng Thanh Tùng cung cấp thông tin, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cân nhắc trình dự án Luật này theo hướng sửa đổi toàn diện Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009, vì số lượng điều khoản được đề nghị sửa đổi, bổ sung khá nhiều; nhiều nội dung trong các văn bản dưới luật cần phải được rà soát, luật hóa; bảo đảm tính thống nhất với nhiều luật khác mới được Quốc hội ban hành…
“Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ thêm, trường hợp mở rộng phạm vi sửa đổi toàn diện Luật thì cần phải chuẩn bị lại hồ sơ cho đầy đủ, phù hợp để trình UBTVQH cho ý kiến chậm nhất tại phiên họp tháng 3-2022”, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ông Tùng nhận định, việc Chính phủ tiếp tục đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình năm 2022 là thực hiện đúng kết luận của UBTVQH; đồng thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; bảo đảm kịp thời triển khai nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV…
Tuy nhiên, đề nghị xây dựng Luật do Chính phủ trình đề xuất 15 nhóm chính sách lớn nhằm sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, song hồ sơ dự án Luật còn nhiều vấn đề cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội đề nghị UBTVQH chưa quyết định bổ sung ngay dự án Luật này vào Chương trình năm 2022 mà yêu cầu Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu ý kiến của các cơ quan thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình UBTVQH xem xét chậm nhất tại phiên họp tháng 3-2022.
Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, để nâng cao chất lượng đề nghị xây dựng Luật, hạn chế việc điều chỉnh chương trình nhiều lần, Chính phủ cần rà soát kỹ nhiều nội dung trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở đánh giá, tổng kết công tác khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian có dịch bệnh Covid-19 vừa qua.
Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị chưa quyết định bổ sung ngay dự án luật này vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2022. “Đề nghị CP nghiên cứu, trình lại vào tháng 3-2022, đủ điều kiện thì bổ sung vào chương trình kỳ họp tháng 5-2022”, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội phát biểu.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ông còn băn khoăn về nhiều chính sách quan trọng trong dự thảo luật về sử dụng tiền bảo hiểm y tế, về mô hình “bác sĩ gia đình” hay phương thức chữa bệnh từ xa… Mặc dù việc sửa đổi thực sự rất cấp bách, nhưng theo Chủ tịch Quốc hội, đây là những vấn đề không thể không cân nhắc kỹ lưỡng.