PGS-TS Đỗ Minh Khôi, Khoa Luật Hành chính nhà nước, Trường Đại học Luật TPHCM, cho biết, vấn đề tự chủ trường học đã nhiều lần được đặt ra trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi nhằm góp phần cởi trói cho các đơn vị trong tổ chức hoạt động giảng dạy, song phải dựa trên cơ sở có sự ràng buộc và quản lý từ cơ quan có thẩm quyền. Trong đó, dân chủ không chỉ được thể hiện với đội ngũ cán bộ công chức mà phải thực hiện với cả người học. “Luật Giáo dục cần công khai quy định người học được quyền công khai những nội dung, thông tin gì từ cơ sở giáo dục, đồng thời có quyền đóng góp ý kiến về nội quy, quy định của nhà trường, tổ chức phong trào thi đua và các hoạt động khác”, PGS-TS Đỗ Minh Khôi bày tỏ.
Ở góc độ trường phổ thông, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) Nguyễn Hùng Khương cho biết, hiện nay các trường đã được trao quyền tự chủ trong xây dựng kế hoạch giảng dạy, cụ thể như sắp xếp lại chương trình, tăng hoặc giảm thời lượng một số nội dung cụ thể. Riêng vấn đề tuyển dụng giáo viên, hiệu trưởng được tham gia vào quá trình rà soát và giao chỉ tiêu biên chế của Sở GD-ĐT (đối với bậc THPT), đồng thời có thể tham gia vào hội đồng chấm thi viên chức. Theo PGS-TS Bùi Xuân Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM, tuyển dụng giáo viên hiện nay đang gặp khó do trách nhiệm phân bổ biên chế thuộc về Bộ Nội vụ, trong khi Bộ GD-ĐT chỉ tham gia quản lý về chuyên môn dẫn đến tình trạng quản lý không xuể, nơi thừa, nơi thiếu giáo viên. Nên chăng có cơ chế tuyển dụng đặc thù cho lĩnh vực giáo dục, đặc biệt đối với một số tỉnh, thành còn gặp khó khăn về biên chế giáo viên.
Đóng góp ý kiến về dự thảo luật, TS Thái Thị Tuyết Dung, Trưởng môn Luật Hành chính, Đại học Luật TP HCM, cho rằng, nên bỏ quy định về việc “ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh” tại khoản 2, Điều 102 của dự thảo Luật Giáo dục. “Nhiều cơ sở giáo dục tư thục hiện nay không có ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng vẫn hoạt động bình thường. Nếu tồn tại của lực lượng này là cần thiết thì nên quy định ở cả hệ thống trường công lẫn trường tư, ngược lại nếu tồn tại này không cần thiết cần nghiên cứu thêm về cơ chế tổ chức trong trường công. Nếu hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện thì không nên đưa vào luật”, TS Thái Thị Tuyết Dung bày tỏ.
Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm là cơ sở pháp lý cho loại hình trường học chất lượng cao. Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, Viện Nghiên cứu giáo dục, Đại học Sư phạm TPHCM, cho rằng, TP đang triển khai mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế là việc làm cần thiết vì ngân sách chỉ đảm bảo chất lượng giáo dục ở mức độ đại trà. Việc tổ chức trường học theo mô hình tiên tiến, được phép thu học phí cao nhằm bù đắp chi phí đào tạo cho các trường phát triển theo chuẩn khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, bày tỏ quan điểm, mô hình trường học chất lượng cao chỉ nên áp dụng ở bậc THPT, không nên phát triển ở hai bậc tiểu học và THCS - vốn là hai bậc học được phổ cập theo chủ trương chung của Nhà nước. Riêng quy định về chuẩn hiệu trưởng, các chuyên gia đều thống nhất ý kiến không nên đưa vào dự thảo luật vì sẽ tạo cơ hội cho việc nảy sinh “giấy phép con”, đồng thời giẫm chân lên một số văn bản luật đã ban hành trước đó của Bộ GD-ĐT.