° Phóng viên: Thưa bà, Luật GDĐH đi vào thực hiện chưa được bao lâu nay đã sửa đổi? Thay đổi lớn nhất lần này sẽ là gì?
° Bà NGUYỄN THỊ KIM PHỤNG: Sau gần 5 năm thực hiện, luật đã bộc lộ những bất cập so với thực tế, đòi hỏi phải thay đổi. Lần này Bộ GD-ĐT đề xuất sửa đổi 36/73 điều của Luật GDĐH năm 2012.
Việc sửa luật nhằm mở rộng phạm vi và nâng cao tính hiệu quả của tự chủ GDĐH trên các phương diện: hoạt động chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản. Tinh thần đảm bảo tự chủ ĐH được bao trùm.
Trong đó, điểm mà người học quan tâm hàng đầu là học phí. Lần này dự thảo sẽ sửa đổi theo hướng học phí ĐH được xác định theo cơ chế giá dịch vụ GDĐH.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng GDĐH (Bộ GD-ĐT)
Luật GDĐH 2012 hiện hành quy định, học phí các cơ sở giáo GDĐH công lập bị áp trần. Nhưng trong dự thảo sửa đổi lần này, bộ đề xuất học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ đào tạo.
Mức giá này do các ĐH tự chủ quyết định trên cơ sở đúng pháp luật, tương xứng với chất lượng đào tạo. Nhà trường phải công khai giá dịch vụ đào tạo từng năm học, khóa học cùng với thông báo tuyển sinh để thí sinh biết trước.
° Nếu để các trường tự quyết thì mức học phí liệu có quá cao?
° Dù được quyền tự quyết nhưng các trường ĐH không thể đưa ra mức học phí vô lý. Chính phủ sẽ quy định cơ chế giá dịch vụ đào tạo đối với các cơ sở GDĐH công lập; sẽ có cơ chế, quy định về phương pháp, cách tính học phí, quy trình để các trường xác định mức thu này. Khi đưa ra giá học phí, trường phải có đề án và giải trình thuyết phục những con số đó tương xứng như thế nào với chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, một thay đổi lớn trong dự thảo sửa đổi bổ sung Luật GDĐH là sẽ không phân biệt bằng ĐH chính quy hay tại chức.
Theo Luật GDĐH hiện hành, các trình độ đào tạo ĐH được chia theo hai hình thức là giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Nhưng lần này quy định chỉ có hình thức đào tạo tập trung và không tập trung.
Hai loại hình này chỉ khác nhau phương thức đào tạo, còn chuẩn về chương trình, giáo viên, chuẩn đầu ra và văn bằng tốt nghiệp sẽ giống nhau. Tên loại hình đào tạo cũng sẽ không được ghi trên bằng tốt nghiệp ĐH như hiện nay, tức là bằng tốt nghiệp ĐH sẽ không phân biệt chính quy hay tại chức.
° Thông tin bằng tốt nghiệp ĐH không phân biệt chính quy hay tại chức đang khiến nhiều người phản ứng. Bởi thực tế, bằng ĐH tại chức hiện nay không được xã hội coi trọng do chất lượng đào tạo ở nhiều trường chưa cao, có hiện tượng học giả thi giả vẫn được cấp bằng…?
° Thực tế nhiều nước phát triển không phân biệt các loại văn bằng mà chú trọng vào quản lý để đảm bảo chất lượng. Chúng ta sẽ tăng cường công tác quản lý, hậu kiểm. Nếu xảy ra bất công trong việc cấp bằng, trước tiên nhà trường sẽ bị chính sinh viên phản ứng, đấu tranh vì đã để chất lượng văn bằng của họ “lẫn lộn”.
Tới đây, Bộ GD-ĐT cũng sẽ đẩy mạnh kiểm định chương trình đào tạo gắn với kiểm định quá trình tổ chức, quản lý đào tạo từng chương trình và việc cấp bằng cho chương trình đó. Chúng tôi cũng hy vọng các cơ sở giáo dục ĐH sẽ trách nhiệm, cẩn trọng khi cấp bằng bởi đây là lời khẳng định về chất lượng đào tạo của nhà trường với xã hội.
° Vấn đề doanh nghiệp được phép mở trong trường ĐH phải chăng cũng là điểm mới của sửa luật GDĐH lần này?
° Luật giáo dục của nhiều quốc gia như Pháp, Nhật cũng cho phép thành lập doanh nghiệp trong trường ĐH. Dự thảo bổ sung doanh nghiệp là một trong các thành tố của trường ĐH, học viện với mục tiêu thương mại hóa nghiên cứu khoa học.
Nếu để nhà khoa học tự thương mại hóa sản phẩm của mình sẽ rất khó khăn bởi họ không có kiến thức kinh doanh. Do đó, cần sự giúp sức của doanh nghiệp để quảng bá, bán sản phẩm ra thị trường. Doanh nghiệp đồng thời có thể đặt hàng nhà khoa học nghiên cứu đưa ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.
Hai hướng làm này đều giúp thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học trong các ĐH và gắn nghiên cứu với nhu cầu thực tiễn. Việc đưa doanh nghiệp vào trường ĐH, cũng là cách thể chế hóa chủ trương thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong trường ĐH của Nghị quyết 19. Doanh nghiệp, nhà trường và các nhà khoa học sẽ làm việc theo cơ chế hợp đồng trong phân chia lợi nhuận.
Sinh viên cần chính sách hỗ trợ để nghiên cứu khoa học
° Hội đồng trường (HĐT) được cho là yếu tố mấu chốt để thực hiện tự chủ ĐH. Nhưng vừa qua, dư luận rất bức xúc khi đã có quy định về HĐT nhưng rất ít trường ĐH thành lập? Lần này liệu luật có quy định chặt chẽ hơn?
° Dự thảo lần này quy định rõ HĐT là tổ chức quản trị, đại diện các bên có lợi ích liên quan và đại diện quyền sở hữu nhà nước đối với cơ sở GDĐH; có quyền hạn quyết định đường lối phát triển, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở GDĐH; quyết nghị chủ trương thu chi tài chính của nhà trường; được tổ chức bầu hiệu trưởng, hiệu phó và lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đột xuất nếu cần thiết... HĐT phải có ít nhất 17 người và là số lẻ.
Thành viên trong đó ngoài hiệu trưởng, một hiệu phó, chủ tịch công đoàn, đại diện hội sinh viên... phải có ít nhất 25% là giảng viên khoa/bộ môn, tối thiểu 30% thành viên bên ngoài trường… Những quy định này nhằm bảo đảm HĐT có thẩm quyền cao nhất trong trường ĐH.
Dự thảo đưa ra 2 phương án về HĐT để xin ý kiến Chính phủ. Một là HĐT bầu hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng trình Bộ GD-ĐT công nhận. Điều này sẽ bảo đảm thực hiện tự chủ ĐH, HĐT là cơ quan quản trị, quyền lực cao nhất trong trường ĐH nên tự chủ trong việc bầu hiệu trưởng.
Bộ GD-ĐT không can thiệp vào công tác nhân sự và quá trình bầu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của HĐT; chỉ công nhận nếu kiểm tra hồ sơ thấy đã thực hiện đầy đủ các quy trình và tiêu chuẩn đã được quy định, nhằm quản lý chức danh hiệu trưởng trên mặt bằng tiêu chuẩn năng lực chung trong toàn hệ thống.
Hai là HĐT bầu hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng trình cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận. Nếu theo phương án này thì dù vẫn bảo đảm quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH công lập trong công tác nhân sự, nhưng sẽ có những hạn chế nhất định trong việc thống nhất thực hiện tiêu chuẩn năng lực chung trên toàn hệ thống đối với các chức danh quan trọng này. Vì vậy mà chúng tôi đưa cả 2 phương án để xin ý kiến.
° Xin cảm ơn bà!