Bác sĩ và người bệnh đều mừng
Có mặt tại khu Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu TPHCM (cơ sở 2, TP Thủ Đức) từ sáng sớm để chờ đến lượt khám bệnh, chị H.T.T.O. (32 tuổi, ngụ quận 1) cho biết, chị đưa mẹ đi tầm soát bệnh tại bệnh viện tuyến quận và được bác sĩ nghi ngờ mắc ung thư vú.
“Gia đình thuộc diện khó khăn, nhà chỉ có mình tôi là lao động chính với mức lương công nhân may, tôi phải vay mượn để có 5 triệu đồng, không biết đủ tiền tầm soát ung thư cho mẹ hay không?”, chị O. lo lắng.
Theo TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, phần lớn người bệnh khi đến bệnh viện thăm khám có chung tâm trạng lo lắng về kinh tế và thường đi khám khi bệnh đã ở giai đoạn nặng. Do đó, trong công tác khám sàng lọc bệnh cho người dân, bệnh viện đã chỉ đạo các bộ phận đặc biệt quan tâm tới các trường hợp này để kịp thời có những giải pháp hỗ trợ.
Tuy nhiên, nguồn lực của bệnh viện có hạn nên vừa qua, khi Bộ Y tế đề xuất trong dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) chi trả chi phí sàng lọc phát hiện sớm cho 6 nhóm bệnh người dân thường gặp (trong đó có ung thư vú, ung thư cổ tử cung) thì bệnh viện, người dân rất phấn khởi.
Bác sĩ CKII Lê Hoàng Quí, Phó Giám đốc Bệnh viện quận Bình Thạnh (TPHCM), cho biết, đơn vị có thế mạnh là khám chữa bệnh ngoại trú cho người dân có thẻ BHYT, trong đó chiếm gần 85% là người cao tuổi. Năm 2023, bệnh viện tiếp nhận hơn 57.000 người tới khám BHYT, phát hiện gần 3.000 ca nghi mắc ung thư (75% là người cao tuổi) và số người mắc mới các bệnh đái tháo đường, cao huyết áp tăng 10%-15%/năm.
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2023 có hơn 15,5 triệu lượt khám chữa bệnh liên quan đến bệnh đái tháo đường, với chi phí lên đến hơn 6.700 tỷ đồng/năm. Còn với bệnh cao huyết áp, năm 2023 có gần 23 triệu lượt khám chữa bệnh (hơn 6.000 tỷ đồng/năm).
“Những người làm ngành y luôn mong mỏi đề xuất của Bộ Y tế sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới, và Luật BHYT (sửa đổi) sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống. Bởi việc BHYT chi trả cho tầm soát bệnh đái tháo đường type 2 và cao huyết áp sẽ giúp giảm gánh nặng cho người cao tuổi, tránh được biến chứng nặng của bệnh”, bác sĩ CKII Lê Hoàng Quí chia sẻ.
Giải quyết nỗi lo trong tương lai
Trong tờ trình dự án Luật BHYT (sửa đổi) gửi Chính phủ, Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh mức đóng BHYT theo từng giai đoạn. Trong dự thảo Luật BHYT (sửa đổi), Bộ Y tế cũng đề xuất Quỹ BHYT chi trả chi phí chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh như: ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường...
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, thông tin, đề xuất này dựa trên các nghiên cứu về kinh tế y tế, chi phí hiệu quả và thực tế, nhiều nước trên thế giới đã làm với hiệu quả mang lại tích cực. Hơn nữa, việc chẩn đoán, phát hiện sớm nhiều bệnh không lây nhiễm sẽ giúp giảm các chi phí y tế, điều trị bệnh sau này, phòng tránh được rất nhiều bệnh lý tăng nặng, điều trị tốn kém.
Làm rõ hơn về đề xuất này, đại diện Bộ Y tế dẫn chứng, hiện nay, mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 180.000 ca mắc ung thư, trong đó hơn 120.000 người tử vong. Năm 2023, chi phí điều trị cho 6 nhóm bệnh ung thư thường gặp (ung thư vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến) từ Quỹ BHYT lên tới gần 6.200 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí cho điều trị các bệnh mãn tính khác như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường… là hơn 12.000 tỷ đồng.
Do đó, trong báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án Luật BHYT sửa đổi, Bộ Y tế cho biết, nếu sàng lọc tiểu đường type 2 sẽ tiết kiệm được cho Quỹ BHYT khoảng 162 tỷ đồng/năm trong 10 năm đầu tiên triển khai. Đồng thời, ngân sách cần chi trả cho việc điều trị các ca bệnh phát hiện từ sàng lọc là 2.089 tỷ đồng/năm.
Đối với việc sàng lọc ung thư, nếu áp dụng các phương pháp sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung sẽ giúp ngăn chặn khoảng 280.000 ca tử vong và giúp tăng hơn 7,2 triệu năm sống.
Bộ Y tế đánh giá, giải pháp mở rộng sàng lọc, chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh sẽ giúp tăng khả năng bảo đảm tài chính cho người dân; đặc biệt, người dân sẽ được Quỹ BHYT chi trả, góp phần đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ chi tiền túi hiện là 43% xuống còn khoảng 23% vào năm 2025.
Trong tờ trình dự án Luật BHYT (sửa đổi) gửi Chính phủ, Bộ Y tế cũng đề xuất 3 phương án nâng dần mức đóng BHYT. Lý do, Luật BHYT đang quy định mức đóng tối đa lên đến 6%, nhưng chưa có cơ chế và lộ trình để Chính phủ có căn cứ tăng mức đóng, trong khi nhu cầu mở rộng phạm vi chi trả của Quỹ BHYT ngày càng cao.
Dự kiến những năm tới sẽ có sự gia tăng chi đáng kể từ Quỹ BHYT do tăng giá dịch vụ y tế khi thực hiện tính đúng, tính đủ các chi phí cấu thành.