Khó đánh giá kết quả thi do… học lệch
Những vấn đề nổi cộm hiện nay về chính sách thi tốt nghiệp THPT đang tạo ra sự lệch lạc của mục tiêu giáo dục. Thi, kiểm tra chưa phải đánh giá thực sự việc học của học sinh mà vẫn chỉ là… dạy và học theo thi cử
Từ đó dẫn đến hàng loạt hệ lụy như: học lệch, học sinh thiếu quan tâm đến học toàn diện; thầy, cô giáo chú trọng dạy nội dung môn thi liên quan đến thi cử; thất bại trong chuẩn bị cho học sinh đối diện với thế giới thực ở tương lai; không đánh giá được năng lực của học sinh...
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 tại điểm thi Trường THCS Lê Lợi, quận 3, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG |
Nhìn lại công tác thi những năm qua đã cho thấy sự thiếu đồng bộ của đánh giá quá trình và đánh giá qua thi tốt nghiệp. Dù thi tốt nghiệp được ứng dụng công nghệ thông tin thì dư luận vẫn nghi ngờ về kết quả đánh giá quá trình của học sinh THPT khi vẫn cộng điểm vào kết quả thi tốt nghiệp để xét tốt nghiệp.
Tại sao không thể ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý điểm số và lưu trữ thành tích học tập của học sinh sao cho không thể có sự can thiệp vào điểm số đã được nhập lên hệ thống? Nếu đánh giá theo năng lực thì cách ra đề thi kiểu trắc nghiệm hiện nay sẽ rất là hạn chế, trong khi thực tế cần phải đánh giá theo quá trình bằng các hình thức khác nhau. Ví dụ rõ nhất là đề thi tiếng Anh THPT, không rõ đánh giá năng lực của học sinh thế nào khi bỏ qua phần thi kỹ năng nghe, nói và viết?
Về hình thức thi vẫn chưa có sự thay đổi nhiều, vẫn kiểu thi gì học nấy mà chưa phải học cái gì thi cái đó một cách toàn diện hơn. Điều đó dẫn đến sự học lệch và được che lấp bằng việc lựa chọn môn thi. Như vậy, mục tiêu của giáo dục phổ thông sẽ khó thể hiện những kiến thức phổ thông của học sinh tốt nghiệp để có năng lực đầy đủ do học lệch vì cách thi gây ra, và những kỹ năng thiết yếu của con người thế kỷ 21 chưa được nhìn nhận và đánh giá đúng qua chính sách thi cử hiện nay.
Điều này cũng dẫn đến tình trạng học thêm, dạy thêm không hợp lý vì thành tích để xét vào đại học. Do đó, từ nay đến năm 2030, nên có cách đổi mới theo hướng đánh giá năng lực tổng hợp cho học sinh THPT. Đổi mới căn bản thi tốt nghiệp THPT nói riêng và thi kiểm tra đánh giá trong giáo dục phổ thông nói chung phải là sự đánh giá toàn diện mà không phải lựa chọn môn này hay môn kia, nhằm chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng đối diện với muôn vàn thách thức trong tương lai.
Hình thành ngân hàng đề thi để tránh “học tủ”
Một điểm làm dư luận lo ngại là chất lượng đề thi. Nhiều năm qua, năm nào cũng xảy ra sự cố về công tác ra đề thi. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có các chuyên gia thiết kế thi, kiểm tra nói chung và thi qua hình thức trắc nghiệm để đảm bảo khách quan.
Bộ GD-ĐT chưa ban hành các quy định về năng lực thiết yếu của người ra đề thi để làm tiêu chí cho bồi dưỡng và chọn lựa người ra đề thi. Để có chiến lược dài hơi hơn mà không phải là đổi mới với tầm nhìn ngắn hạn thì công tác phát triển đội ngũ chuyên gia thiết kế đề thi là nhiệm vụ rất căn bản, nhân tố quan trọng đảm bảo kỳ thi đạt được mục đích trên thực tế.
Thí sinh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tại điểm thi Trường THPT Lương Văn Can, quận 8, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG |
Bộ GD-ĐT cũng chưa ban hành quy định về quy trình thiết kế phát triển đề thi trắc nghiệm, đặc biệt là việc thử nghiệm trên diện rộng, để đảm bảo tính khách quan của trắc nghiệm và hình thành ngân hàng đề thi đủ lớn nhằm tránh việc “học tủ”. Nếu muốn làm đề thi theo quy trình đúng thì cần chuẩn bị nhân sự được đào tạo, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình ra đề, thử nghiệm, chuẩn hóa và phân tích đánh giá thử nghiệm. Mỗi khâu trong quy trình đều phải quy định năng lực của đội ngũ tham gia.
Để đổi mới mang tính căn bản của thi tốt nghiệp THPT, rất cần cơ quan thẩm quyền thiết kế kế hoạch phải có một chính sách, chiến lược dài hơi với tư duy dám nghĩ, dám làm, sau đó mới cụ thể hóa bằng các văn bản kế hoạch. Trong vấn đề đổi mới này, cần bám sát tính “phổ thông” để có mục tiêu thi tốt nghiệp đúng và đủ, đánh giá năng lực toàn diện của người học, đặt công tác nhân sự ra đề thi và cán bộ quản lý thi cử lên hàng đầu.