Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) công bố và lấy ý kiến rộng rãi trước khi áp dụng từ năm học 2018-2019. Dù chuẩn bị khá lâu nhưng dự thảo bị đánh giá là đầu tư chưa kỹ, thiếu những điều kiện cần và đủ để triển khai hiệu quả. Báo SGGP xin trích đăng một số ý kiến góp ý của các nhà quản lý giáo dục, giáo viên ở TPHCM.
Thầy HUỲNH THANH PHÚ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du TPHCM:
Chương trình không giảm tải mà nặng nề hơn
Tất cả giáo viên, học sinh đều mong chờ và đón nhận chủ trương đổi mới, chấn hưng giáo dục của Đảng, Nhà nước. Thế nhưng, nhìn vào Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới công bố, chúng tôi thấy nhiều điều không như mong đợi. Chủ trương đổi mới giáo dục nhằm giảm tải chương trình, giúp người học nhẹ nhàng, thoải mái hơn, nhưng nhìn chương trình mới lại thấy nặng nề hơn, có nhiều môn học hơn. Và thời lượng học sinh phải học đến 30 tiết/tuần là quá nhiều. Ngay trường chúng tôi đã áp dụng học 2 buổi/ngày nhưng việc tăng môn học, kèm với tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo sẽ thiếu thời gian cho học sinh tự học, tự nghiên cứu. Ban soạn thảo chưa đánh giá đúng điều kiện cần và đủ ở từng trường học, vùng miền khác nhau và thiết kế biên soạn chương trình theo một mặt bằng chung từ thành phố đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa là chưa hợp lý.
Học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) hứng thú với hoạt động trải nghiệm sáng tạo
Bên cạnh việc chưa chuẩn bị kỹ về nội dung, điều kiện thực hiện (con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị), nhiều giáo viên cũng băn khoăn về các môn học trong chương trình phổ thông mới, cũng như cách phân chia môn bắt buộc và môn tự chọn chưa rõ ràng. Khi phân chia thành các môn học bắt buộc và bắt buộc có phân hóa hay tự chọn và tự chọn bắt buộc, ban soạn thảo dùng nhiều thuật ngữ khó hiểu, tạo cảm giác phức tạp, rắc rối thêm. Cần xem lại việc xếp môn giáo dục thể chất, giáo dục an ninh - quốc phòng là môn bắt buộc…
Thầy CAO ĐỨC KHOA, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1:
Tham vọng nhiều nhưng thiếu điều kiện để thực thi hiệu quả
Theo tôi, chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra quá nhiều tham vọng nhưng lại thiếu cơ sở, điều kiện kèm các giải pháp khả thi, nhất là yêu cầu phải có đủ lực lượng giáo viên thích ứng với đòi hỏi cao của chương trình. Do được đào tạo từ trường sư phạm theo cách cũ, tất cả đội ngũ giáo viên hiện tại đều dạy môn học riêng lẻ. Bây giờ bắt họ phải dạy học sáng tạo, lấy học sinh làm trung tâm và đáp ứng yêu cầu dạy tích hợp, dạy phân hóa, lồng ghép các chương trình… thì làm sao họ chuyển đổi kịp? Là người quản lý, chúng tôi rất lo lắng khi thời gian áp dụng chương trình phổ thông mới chỉ còn 1 năm và làm cách nào để tái đào tạo số giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình.
Điều lo lắng khác là đến giờ này mọi người cũng chưa thấy rõ hình hài của sách giáo khoa mới và ai viết, viết như thế nào để phù hợp với trình độ, năng lực của học sinh và theo từng địa phương. Trước yêu cầu đào tạo học sinh theo hướng chủ động sáng tạo, trải nghiệm, thực hành nhiều hơn thì trường học phải được đầu tư, nâng cấp về cơ sở, trang thiết bị dạy và học phù hợp. Thiếu những điều kiện để tạo ra môi trường thực học, thực hành thì học sinh không thể phát huy sự sáng tạo, năng động và dám nghĩ, dám làm.
Ông LÊ NGỌC ĐIỆP, nguyên Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM:
Nên làm thí điểm, không nên áp dụng đại trà
Chúng ta đã trải qua 2 lần cải tổ, đổi mới giáo dục và cần rút ra bài học, kinh nghiệm sâu sắc để chương trình phổ thông mới tránh đưa ra quá nhiều tham vọng, mục tiêu xa rời thực tế. Điều quan trọng nhất là chương trình mới phải đón đầu xu hướng phát triển của thời đại, sự thay đổi nhanh của công nghệ, kỹ thuật mới để đào tạo đúng hướng. Như thế, cần xem lại mục tiêu đào tạo và tiêu chí chuẩn đầu ra cho từng cấp học, học xong các em lĩnh hội được những gì có thể ứng dụng vào cuộc sống hiện đại. Cụ thể, khi bước vào lớp 1, các em sẽ được học những gì, cần trang bị những kiến thức cơ bản hay kỹ năng cần thiết nào ở bậc tiểu học và các bậc tiếp theo, để sau 12 năm rời khỏi ghế nhà trường phổ thông, học sinh đạt được mục tiêu mà UNESCO đưa ra là “Học để biết, học để làm, học để chung sống”. Như thế, việc biên soạn, thiết kế nội dung chương trình của các cấp học phải sát với năng lực, trình độ của người học. Để tạo ra sản phẩm giáo dục hoàn hảo thì vai trò của người thầy phải được đặt lên cao nhất. Họ không thể tư duy, sáng tạo, dạy hay, đạt chất lượng cao khi lớp học quá đông học trò và điều kiện trường, lớp không đạt chuẩn. Theo tôi, trước khi triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới, cần làm thí điểm, chọn những trường hội đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất để triển khai trước.
PGS-TS NGUYỄN XUÂN TẾ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM
Phải bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu mới
Đúng là dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đưa ra hơi chậm so với yêu cầu cấp bách phải đổi mới, chấn hưng giáo dục, nhưng không vì thế mà chúng ta đốt cháy giai đoạn, vội vàng áp dụng ngay khi chưa chuẩn bị kỹ mọi điều kiện, nhất là về nhân lực - đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên. Bởi lẽ, họ chính là động lực quan trọng quyết định sự thành bại của chương trình phổ thông mới.
Trong thời gian qua, cùng với việc xây dựng chương trình phổ thông tổng thể, các trường sư phạm đã chú trọng đổi mới phương pháp đào tạo sinh viên và tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đang đứng lớp. Thế nhưng, công việc bồi dưỡng này chưa bài bản và thiếu quyết sách để làm thường xuyên, hiệu quả hơn. Nếu các cơ sở giáo dục, từng giáo viên không nhận thức đúng về việc phải nâng cao trình độ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của chương trình phổ thông mới thì họ sẽ đứng ngoài cuộc, không thể hòa nhập với yêu cầu đổi mới giáo dục.
KHÁNH BÌNH