Ngày 13-11, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, số liệu cập nhật mới nhất đến cuối tháng 9-2023, dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn TPHCM đạt khoảng 925.000 tỷ đồng, tăng 1,9% so với cuối năm 2022.
Cụ thể, tín dụng bất động sản cho mục đích kinh doanh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng và tăng trưởng cao hơn, đạt 277.000 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2023, tăng 7,5% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất tăng 10,5%; cho vay bất động sản lĩnh vực văn phòng, cao ốc tăng 7%; cho vay kinh doanh bất động sản khác tăng trên 20%.
Còn dư nợ tín dụng bất động sản cho mục đích tiêu dùng, tự sử dụng (gồm mua, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất để xây dựng nhà, công trình xây dựng để ở hoặc để tự sử dụng; cho vay nhà ở xã hội; xây dựng, cải tạo, mua, thuê, thuê mua nhà để ở) đạt 648.000, chiếm 70% so với tổng dư nợ bất động sản, giảm 0,3% so với cuối năm 2022.
Tín dụng bất động sản tại TPHCM cho vay kinh doanh tăng trong 9 tháng đầu năm |
Theo ông Lệnh, mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TPHCM thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung song quy mô dư nợ tín dụng bất động sản không thay đổi nhiều, tín dụng bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng 28% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.
“Tín dụng bất động sản tăng trưởng thấp có nguyên nhân chủ yếu từ nhu cầu tín dụng giảm, nhất là nhu cầu mua nhà ở của người dân giảm nên ảnh hưởng đến tín dụng bất động sản cho mục đích cho vay tiêu dùng, tự sử dụng”, ông Lệnh cho hay.
Ông Lệnh cũng cho biết, đối với các giải pháp hiện nay, ngoài việc tiếp tục tổ chức và thực hiện tốt chính sách tiền tệ tín dụng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho nền kinh tế, cần tập trung kích cầu tiêu dùng và đầu tư, qua đó kích thích tăng trưởng. Đi cùng đó là các giải pháp đồng bộ về pháp lý, về xây dựng, về tài chính, về cải cách hành chính… để hỗ trợ thị trường bất động sản tăng trưởng và phát triển trong thời gian tới.
Trong khi đó, về tín dụng bất động sản chung toàn ngành, tại Hội nghị trực tuyến triển khai công điện 993/2023 của Thủ tướng và Chính phủ về tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản do NHNN Việt Nam và Bộ Xây dựng tổ chức sáng 13-11, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cũng cho biết, đến 30-9-2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó, tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng, tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản.
Theo bà Giang, 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản có sự tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. “Điều này cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, ngành ngân hàng và các bộ ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản đang dần phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các TCTD cũng tích cực triển khai cho vay theo các chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nhà ở”, bà Giang nhấn mạnh.