Theo báo cáo, tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2021 khoảng 20,5 triệu m3, trong đó sản xuất trong nước khoảng 14,27 triệu m3 (chiếm khoảng 70% nhu cầu), nhập khẩu khoảng 6,3 triệu m3 (chiếm 30% nhu cầu).
Tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước theo kế hoạch năm 2022 là 20,7 triệu m3, trong đó sản xuất trong nước khoảng 14,418 triệu m3, nhập khẩu khoảng 6,282 triệu m3.
Trong nước, từ đầu tháng 1 và tháng 2 năm 2022, do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức 55-80% công suất và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật nên phải ngừng sản xuất, vì vậy đã ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước.
Trên thị trường thế giới, các vấn đề địa chính trị, dịch bệnh thời gian vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Nhu cầu xăng dầu tăng, trong khi các nước áp dụng các biện pháp phục hồi kinh tế dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu trong việc cạnh tranh để tiếp cận nguồn cung trên thế giới với giá hợp lý. Đặc biệt, cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine - 2 nước cung cấp dầu, khí đốt lớn của thế giới – càng làm cho tình hình trở nên khó khăn hơn.
Hiện nay, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của nhà máy. Vì vậy, ngày 22-2-2022, Bộ Công Thương đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đánh giá thực trạng khả năng sản xuất, cung ứng xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và thống nhất trước mắt, kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý 2 cho thị trường trong nước không bao gồm nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Theo đó, ngày 24-2, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (không tính nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn) để đảm bảo đủ xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa trong quý 2. Đồng thời, Bộ cũng đã có các văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và việc điều hành giá xăng dầu theo hướng bám sát diễn biến giá thị trường thế giới, Bộ Công thương cho rằng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước của doanh nghiệp và người dân trong mọi tình huống.
Trước phản ánh về tình trạng “hết hàng” cục bộ tại một số thời điểm, Bộ Công thương khẳng định, tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn như Petrolimex, PVOIL, Tổng Công ty Xăng dầu quân đội, Tổng Công ty Hóa dầu quân đội… (chiếm trên 95% thị phần với khoảng 16.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu), việc bán hàng vẫn được duy trì liên tục từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung chỉ xảy ra cục bộ tại một số địa phương phía Nam (Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Long An, Cà Mau, Đồng Nai, TPHCM).
Ngay sau khi nhận thông tin báo cáo từ các địa phương, Bộ Công thương đã liên hệ với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn cung cho các địa bàn và kịp thời cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại khu vực ĐBSCL.
Cụ thể, đã đề nghị Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn cung cấp hàng cho Công ty Nam Sông Hậu để cung ứng hàng cho địa bàn thành phố Cần Thơ; yêu cầu Công ty TNHH MTV Dầu khí Hồ Chí Minh cung cấp hàng cho Công ty xăng dầu Bông Sen Vàng, Công ty cổ phần thương mại hóa dầu Resol; đề nghị PVOIL bổ sung nguồn hàng cho Công ty xăng dầu Hoàng Gia; đề nghị Petrolimex bổ sung lượng hàng cung ứng cho địa bàn tỉnh Cần Thơ...
Đồng thời, Bộ Công thương (tại Công điện số 517/CĐ-BCT) đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước tiến hành công tác quản lý địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và phối hợp với các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố (Công an, Sở Công thương) giám sát các loại hình kinh doanh xăng dầu theo từng địa phương; trong đó có các phương án, kế hoạch cụ thể để kiểm tra đột xuất ngay các đơn vị kinh doanh có dấu hiệu, hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.
Bộ Công thương cũng triển khai đoàn kiểm tra trực tiếp đến các địa bàn một số tỉnh ĐBSCL để kiểm tra các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng ra để chờ tăng giá đã xử lý nghiêm theo quy định. Bộ cũng thành lập 3 đoàn thanh tra chuyên ngành với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, theo đó các đoàn thanh tra sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.