Theo dự kiến, dự luật về nhập cư có thể được đưa ra tranh luận vào quý đầu của năm 2023. Giới chức Pháp cho rằng, dự luật sẽ giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động ở một số ngành nghề gặp khó khăn trong việc tuyển dụng từ hai năm qua. Bộ Lao động Pháp cho biết, nếu dự luật được thông qua, các cơ quan phụ trách sẽ tiến hành tạo một loại thẻ lưu trú đặc biệt đối với những người nước ngoài làm trong lĩnh vực thiếu hụt lao động, như xây dựng, giúp việc nhà, phục vụ nhà hàng, bảo vệ, y tá, hoặc kỹ sư.
Chính phủ Pháp tính đến việc cho phép những người lao động trong tình trạng không có giấy tờ, có thể tự mình làm hồ sơ xin giấy tờ hợp pháp mà không cần thông qua người tuyển dụng. Việc tạo ra loại thẻ cư trú này có thể làm hạn chế các hành vi lạm dụng, hoặc những công việc không khai báo, các công ty lừa đảo, tuyển dụng những người không có giấy tờ.
Bộ trưởng Nội vụ Darmanin giải thích trên kênh BFM TV: “Chúng ta mong muốn tiếp đón người nhập cư, người muốn hòa nhập, muốn làm việc và muốn nói tiếng Pháp. Chúng ta không tiếp nhận người nước ngoài phạm tội. Đó là nguyên tắc của dự luật này. Pháp sẽ xử nặng tay và yêu cầu trục xuất tất cả những ai có hành vi phạm pháp”.
Theo chính phủ, dự luật này thể theo yêu cầu của các doanh nghiệp, nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Bởi các doanh nghiệp không yêu cầu tuyển lao động nhập cư mà chỉ mong muốn có thêm lao động. Theo số liệu của Bộ Lao động Pháp, có hơn 60% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng vào mùa hè vừa qua, tăng gấp đôi so với năm 2015. Giúp việc nhà là nghề thiếu hụt nhiều nhất khi có đến 85% nhà tuyển dụng gặp khó khăn khi tìm lao động cho nghề này. Tiếp đến là nghề điều dưỡng (81%), nghề tài xế, điều khiển phương tiện giao thông công cộng đường bộ (80%), hay thợ sửa ống nước (77,6%).
Giới doanh nghiệp ủng hộ dự luật của chính phủ. Chủ tịch của Hiệp hội ngành công nghiệp khách sạn (Umih), ông Thierry Marx, đồng tình với dự luật vì giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động trong ngành dịch vụ - du lịch. Tương tự, trong lĩnh vực nông nghiệp, đại diện của Liên đoàn Công đoàn quốc gia của Hội Nông dân Pháp, ông Jérôme Volle cho biết, “ủng hộ tuyển dụng lao động địa phương, nhưng nếu không đủ người sẽ không thể thu hoạch vụ mùa và đây sẽ là một thảm họa kinh tế. Do đó, Hội Nông dân ủng hộ các đề xuất của chính phủ”.
Phía không ủng hộ dự luật thì cho rằng, việc hợp lệ hóa lao động nhập cư bất hợp pháp phần nào sẽ gây xáo trộn đời sống kinh tế, xã hội tại Pháp. Giám đốc của Văn phòng Nhập cư và Hội nhập Pháp (OFII), ông Didier Leschi cho rằng, khó khăn ở chỗ người có trình độ chuyên môn thấp khó hòa nhập, bởi vì nhiều người đến từ các nước chậm phát triển, nhiều người thậm chí còn không thể đọc và viết ngôn ngữ của họ.
Theo nhận định của Hội đồng Phân tích kinh tế (CAE), nhập cư có thể có lợi cho nền kinh tế, nhưng liệu Pháp có thể thành công thu hút lao động nhập cư có trình độ như Đức hay một số nước châu Âu khác đã làm hay không? Tại Pháp, 37,8% người nhập cư trong độ tuổi lao động có trình độ học vấn bằng hoặc thấp hơn trình độ trung học. Kết quả là tỷ lệ lao động của nhóm người nước ngoài này thường thấp hơn tỷ lệ của toàn bộ lao động tại Pháp.