Dự luật được đặt theo tên của Emmett Till, một thiếu niên người Mỹ gốc Phi, bị sát hại vào tháng 8-1955 trong vụ tấn công phân biệt chủng tộc gây chấn động nước Mỹ. Vụ việc được coi là “chất xúc tác” thúc đẩy phong trào đòi dân quyền ở nước này trong những năm 1950. Hiện dự luật đã được chuyển lên Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật. Bản án tối đa dành cho đối tượng phạm tội theo dự luật là 30 năm tù.
Tình trạng phân biệt chủng tộc luôn tồn tại trong lòng nước Mỹ, càng rõ ràng hơn với những người da màu. Trong năm 2021, dư luận đặc biệt chú ý tới phiên tòa xét xử cựu cảnh sát được cho là đã gây ra cái chết của người đàn ông da màu George Floyd hồi tháng 5-2020. Vụ George Floyd chính là giọt nước tràn ly bởi tình trạng người gốc Phi bị kỳ thị, nhất là từ phía cảnh sát, không phải là điều hy hữu ở Mỹ. Bản án 22,5 năm tù dành cho cựu cảnh sát tấn công George Floyd là bước ngoặt phản đối việc lực lượng cảnh sát lạm dụng vũ lực đối với người Mỹ da màu. Chuyên gia tâm lý học Steven Robert thuộc Đại học Stanford, một người gốc Phi, khẳng định, phân biệt chủng tộc đã ăn sâu, bắt rễ trong tư tưởng của người Mỹ tới mức không có cách nào giải quyết ngay được. Nguyên nhân do xã hội Mỹ là một hệ thống phân cấp mà ở đó, các chính sách luôn có lợi cho người bản địa. Theo Giáo sư luật tại Đại học Stanford, ông Ralph Richard Banks, ngoài việc chính phủ phải thừa nhận có sự tồn tại của phân biệt chủng tộc và nỗ lực giải quyết dần, người dân Mỹ cần phải ủng hộ mạnh mẽ những chính sách mang lại bình đẳng sắc tộc, mà đầu tiên chính là những chính sách tạo điều kiện để người da màu có được điều kiện kinh tế tốt hơn.
Cũng vì thế, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Cory Booker, người đã khởi xướng dự luật vào năm 2018, coi dự luật trên là động thái cần thiết để nước Mỹ có thể chữa lành các vết thương từ bạo lực phân biệt chủng tộc. Đây cũng được xem là bước tiến mới trong cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ, cũng như củng cố cam kết thúc đẩy công bằng chủng tộc của chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden.