Ngày 6-8, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra báo cáo của Chính phủ tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV.
Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên họp, sau khi có Nghị quyết số 56 của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 nghị định, 6 quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của một số bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổng cục thuộc bộ.
Qua rà soát 5 nghị định trên, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, cơ bản các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ không chuyển các vụ thành cục, tổng cục. Các cơ quan thuộc Chính phủ giảm số đơn vị được thành lập phòng, giảm số phòng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu. Đó là tăng tổng số phòng trong các đơn vị trực thuộc bộ, số đầu mối không tăng nhưng cũng chưa được sắp xếp để bảo đảm tinh gọn theo yêu cầu của nghị quyết. Trong các nghị định về cơ quan thuộc Chính phủ cũng không quy định số lượng tối đa cấp phó của đơn vị trực thuộc nên có thể dẫn đến tùy tiện khi áp dụng.
Đáng lưu ý, theo một số ý kiến tại phiên họp, dư luận hiện vẫn "nóng" với nhiều bức xúc về việc tuyển dụng, đề bạt không đúng, bổ nhiệm “siêu tốc” xảy ra gần đây như việc Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa bổ nhiệm hàng loạt cán bộ lãnh đạo cấp phòng sai quy định trước khi nghỉ hưu; hay Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không bổ nhiệm 70 cán bộ trước khi nghỉ hưu…
Các ý kiến đề nghị cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời phát hiện sai phạm trong tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức bởi đây là một trong những yêu cầu quan trọng được đặt ra trong Nghị quyết số 56 của Quốc hội. Thời gian tới, đề nghị Bộ Nội vụ kiên quyết hơn trong việc giao biên chế cho từng địa phương, bộ, ngành; Chính phủ tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức các cơ quan trong bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn với các tiêu chí cụ thể.
Chủ trì phiên họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh việc rà soát, thu gọn đầu mối các cơ quan, tổ chức là cần thiết nhưng cần nghiên cứu một cách thận trọng, kỹ lưỡng và có cơ sở thực tiễn để bảo đảm tính khoa học, hiệu quả, khả thi; tránh việc thu gọn một cách cơ học mà số lượng biên chế, tổ chức bên trong vẫn cồng kềnh, chồng chéo.
Đối với việc thực hiện nguyên tắc “Một việc chỉ do một cơ quan chủ trì”, nhiều ý kiến cho rằng đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của nhiều cơ quan nên việc triển khai phải đồng bộ, triệt để. Tuy nhiên, cũng cần có lộ trình và bước đi thích hợp, tránh gây xáo trộn bộ máy quá lớn, đột ngột, tạo ra khoảng trống hoặc tránh sự chồng chéo về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Liên quan đến yêu cầu của nghị quyết về việc từng bước thực hiện sáp nhập, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bảo đảm đúng tiêu chí quy định, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, để bảo đảm tính khả thi, tránh gây xáo trộn lớn trong xã hội, đồng thời để phù hợp với chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, thì việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã phải có lộ trình, bước đi phù hợp. Ngoài các nguyên tắc chung về diện tích tự nhiên, dân số còn cần quan tâm đến các tiêu chuẩn “mềm” như mức độ đô thị hóa, số đơn vị hành chính trực thuộc, cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ xem xét, cân nhắc, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản về việc lấy ý kiến nhân dân; việc sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức sau khi sáp nhập…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị Bộ Nội vụ hoàn thiện dự thảo báo cáo, tổng hợp thông tin đến ngày 30-8 tới, sau đó Ủy ban Pháp luật sẽ tiến hành thẩm tra chính thức.