Từ vụ gian lận điểm thi gây rúng động ở Hà Giang, bên cạnh đòi hỏi điều tra làm rõ mọi ngóc ngách của sự việc, xử lý những người liên quan, các chuyên gia giáo dục có nhiều ý kiến về việc tổ chức thi. Nhiều ý kiến đòi bỏ kỳ thi “2 trong 1” hiện nay, giao việc thi tuyển về cho các trường đại học tự chủ.
Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, không thể ngay lập tức thay đổi kỳ thi trong năm sau, thậm chí năm sau nữa. Vì vậy, điều cần làm bây giờ là tìm ra giải pháp để tổ chức kỳ thi năm 2019 thực sự trung thực.
Là người nhiều năm từng phụ trách mảng công nghệ thông tin của Bộ GD-ĐT, ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD-ĐT) đã có những đề xuất nhằm bảo đảm kỳ thi THPT quốc gia diễn ra trung thực, khách quan.
- Ông QUÁCH TUẤN NGỌC: Thời thi tự luận, tiêu cực sửa bài thi là rất khó. Đơn giản vì có rọc phách. Nếu dồn túi 2 lần thì không tài nào biết bài nào của ai mà sửa bài thi. Còn nay thi trắc nghiệm thì phiếu trả lời trắc nghiệm hoàn toàn không có phách, nên bất kỳ ai cũng có thể biết phiếu trả lời này là của ai và tìm ra phiếu của thí sinh A, B, C nào đấy để can thiệp như cách ông Vũ Trọng Lương đã làm ở Hà Giang.
Đây là một lỗ hổng mà tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi còn công tác, và đến nay thì cho thấy lỗ hổng đó đã bị những người có ý đồ lợi dụng.
Phiếu trắc nghiệm đó và quy trình chấm hiện nay rất thích hợp cho việc một trường đại học tổ chức thi, vì họ không dính đến “con cháu” nào cả. Nếu có cũng hãn hữu xảy ra.
Còn thi tại địa phương thì có thể nói quy trình đó là chưa hoặc không phù hợp, nhất là khâu chấm, kiểm dò. Bởi thực tế, cán bộ làm công tác thi ở địa phương rất dễ bị chi phối, tác động bởi các mối quan hệ, vụ Hà Giang là điển hình. Nếu phẩm chất cán bộ đảm nhiệm công việc này không tốt, sẽ rất dễ để xảy ra sai phạm. Khi cán bộ giảng viên các trường đại học rút về, thanh tra vẫn có, nhưng không thể quán xuyến cả ngày cả đêm, tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng.
Năm 2007, hội nghị giao ban giám đốc sở và tổng kết năm học tại TPHCM, tôi từng phát biểu rằng đừng bao giờ tin tuyệt đối vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức tại địa phương để làm kết quả xét vào đại học. Minh chứng là tôi từng vẽ biểu đồ điểm 10 thi tốt nghiệp THPT thời đó, nhưng thi đại học thì điểm rất thấp.
Năm 2002, lần đầu tiên “3 chung” và lần đầu tiên làm phổ điểm thì mãi mấy năm sau mới công bố vì quá “nhạy cảm” vào thời điểm đó. 13 năm thi "3 chung", Cục Công nghệ Thông tin chúng tôi thường xuyên xếp hạng, vẽ bản đồ điểm thi Việt Nam và về nguyên lý, nhóm xếp hạng theo màu là rất ít thay đổi. Về nguyên tắc, top 10 chủ yếu là các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Đứng vị trí nhất thường xuyên là Hà Nội (thời chưa sáp nhập Hà Tây), Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Phúc; TPHCM sau mấy năm "3 chung" mới vào top 10. Nhưng từ ngày thi “2 trong 1”, thứ hạng sắp xếp của các tỉnh bị xáo trộn. Nhiều tỉnh ngày xưa tôi sơn đỏ (tức điểm thấp), nay nhảy lên "sánh vai" với top 10, được thể hiện bằng màu xanh trên bản đồ.
*Công an điều tra cho thấy, chỉ mất 6 giây để ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng khảo thí của Sở GD-ĐT Hà Giang, sửa điểm cho một bài thi. Nhiều ý kiến cho rằng nếu không “quen tay” khó mà làm nhanh được vậy? Điều đó dẫn đến nghi ngờ chuyện gian lận có thể đã từng diễn ra?
- Tôi cũng cho rằng ông Lương làm trắng trợn quá mức, chắc do "chủ quan khinh người". Ông Lương đã làm ở "quy mô công nghiệp" nên mới bị lộ. Ví dụ như những người này chỉ nâng 1-2 điểm (không hề có ý "vẽ đường cho hươu chạy") thì đúng là không thể phát hiện ra.
Hiện công an mới điều ta ra một mình ông Lương, nếu mà cả 1 đường dây gian lận có tổ chức thì thật kinh khủng. Cũng qua vụ Hà Giang mà ngành giáo dục nhận ra những lỗ hổng ở các khâu của kỳ thi, nhất là quy trình chấm thi đang rất có vấn đề. Trước giờ vẫn có dư luận bàn tán rằng chỗ này chỗ kia có tiêu cực trong thi cử, cháu này được 10 điểm, nhưng đến khi học đại học lại không giỏi. Nhưng dù sao đây cũng chỉ là dư luận, không có bằng chứng. Chỉ duy nhất vụ này tìm được bằng chứng xác thực, mới có thể xử lý.
*Từ năm 2015 bắt đầu tổ chức kỳ thi “2 trong 1”, Bộ GD-ĐT luôn khẳng định là kỳ thi đỡ áp lực cho xã hội, bảo đảm khách quan, trung thực?
- Kỳ thi này có tiến bộ là có thêm cán bộ coi thi từ các trường đại học về địa phương. Tuy nhiên, còn nhiều chỗ là do cán bộ địa phương chủ động làm hết nên cơ hội tiêu cực càng có điều kiện. Vụ ở Hà Giang là ví dụ. Người cùng địa phương, làm tại địa phương kiểu gì cũng có những mối quan hệ riêng tư. Độ tin cậy kết quả kỳ thi đương nhiên có phần suy giảm nếu không muốn nói là không thể tin được.
*Nhiều ý kiến đề xuất phải bỏ kỳ thi “2 trong 1” này, việc xét tốt nghiệp giao cho các địa phương còn thi đại học thì phải để các trường đại học tự chủ?
- Nhiều ý kiến đề xuất vậy nhưng khó thực hiện lắm. Một là sẽ dẫn đến tình trạng con em cả nước lại lệ khệ ôm túi xách đi thi hết trường này đến trường khác, rất vất vả. Bản thân nhiều trường đại học cũng không mặn mà chuyện phải tổ chức thi riêng. Bạn thấy đấy, mấy năm rồi chúng ta cứ kêu gào tự chủ đại học nhưng trừ 2 đại học quốc gia tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, có trường nào thi riêng đâu. Mỗi lần tổ chức thi rất tốn kém, sợ nhất là khâu làm đề thi, tốn kém mà rất dễ sai sót. Riêng đề thi, tôi nghe mỗi lần tổ chức thi Bộ GD-ĐT phải tốn ít nhất 50 tỷ đồng để làm đề thi, thuê người ra đề, thuê công an bảo mật... rất tốn kém, phức tạp. Vì thế các trường đại học không mặn mà thi riêng. Sẽ phải có thời gian để các trường tự chủ hoàn toàn.
* Cũng có ý kiến cho rằng, thi “2 trong 1” cũng được, nhưng phải thi trên máy tính để bảo đảm trung thực, khách quan?
- Ôi... Đó là ý kiến không khả thi đâu! Chúng ta mong như vậy nhưng chưa đủ nguồn lực. Tiền đâu mua đủ máy tính cho cả triệu thí sinh thi? Đó là giải pháp cho tương lai thôi.
* Vậy theo ông khi chưa tìm ra được giải pháp đổi mới thi cử tối ưu thì đâu là giải pháp để có thể tổ chức kỳ thi "2 trong 1" bảo đảm khách quan?
- Tôi đề xuất sau khi thi xong (rọc phách nếu có thì càng tốt) và quét ảnh xong thì truyền file về Bộ GD-ĐT ngay lập tức và nếu mà Bộ GD-ĐT cũng chấm độc lập trên file ảnh này (CD1) thì quá hay. Những trường hợp lỗi khi kiểm dò thì xử lý sau. Hoặc nên tổ chức chấm theo Cụm (theo vùng miền) do trường đại học chủ trì. Nghĩa là sau khi thi xong thì niêm phong ngay túi bài thi, chuyển về chấm theo Cụm. Nếu các trường đại học chấm thì tôi chắc chắn là sẽ nghiêm túc.